Tín dụng chính sách: "Phao cứu sinh" cho hộ nghèo
Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã không ngừng hoàn thiện, triển khai có hiệu quả hoạt động ủy thác. Nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, qua đó giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập.
TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI VAY
Để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của các cấp trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng CSXH đã phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội tham mưu các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH.
Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở, từ đó người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận với tín dụng chính sách được thuận tiện.
Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Tiền Giang (bìa phải) nhận Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang vì có thành tích đóng góp trong hoạt động tín dụng chính sách năm 2021. |
Cùng với đó, các tổ chức trên trực tiếp tham gia vào việc bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các đối tượng vay tham gia các mô hình phát triển kinh tế, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông, khuyến ngư vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả, cải thiện thu nhập.
Việc tổ chức giao dịch tại xã được Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đúng và đủ các quy trình theo quy định pháp luật, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Tiền Giang Trần Văn Trung cho biết, đến cuối năm 2021 dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội trên 3.038 tỷ đồng, chiếm 97,57%/tổng dư nợ, với 2.819 tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng hơn 265 tỷ đồng so với năm 2020. Hiện nay, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn đã đi vào ổn định, ngày càng nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, với 2.530 tổ hoạt động tốt, 252 tổ hoạt động khá.
HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO
Phương thức ủy thác cho vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Tiển (xã Bình Trưng, huyện Châu Thành) do làm ăn thua lỗ phải vay, mượn nợ nhiều nơi, công việc bấp bênh nên kinh tế gia đình không ổn định.
Nhờ tiếp cận được chương trình hỗ trợ vốn vay cho lao động đi làm việc nước ngoài của Ngân hàng CSXH đã kịp thời giúp cho gia đình ông Tiển vượt qua khó khăn, tạo điều kiện cho các con ông có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cai Lậy làm thủ tục vay vốn cho người dân. |
Ông Tiển cho biết, khi đến liên hệ tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Châu Thành, ông được cán bộ ngân hàng hướng dẫn tận tình, chu đáo về hồ sơ vay vốn cho lao động đi nước ngoài làm việc, với thủ tục nhanh, gọn, không mất nhiều thời gian đi lại và được vay 100% chi phí cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Số tiền được vay lúc bấy giờ là 88 triệu đồng, thời hạn vay là 36 tháng theo thời hạn hợp đồng cho lao động làm việc ở nước ngoài. Sau gần 3 năm, gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định, cải tạo và phát triển thêm mô hình trồng cây ăn trái.
Trong 5 năm qua, cùng với nguồn vốn Trung ương và ngân sách địa phương, Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho 240.314 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; thu hút, tạo việc làm cho trên 36.727 lao động có việc làm và thu nhập ổn định; hơn 20.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hơn 85.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây mới 1.156 căn nhà ở cho hộ nghèo, đối tượng khó khăn về nhà ở và tạo điều kiện cho 85 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội…
Từ đó góp phần giúp cho 42.620 hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế bền vững. Hộ nghèo, cận nghèo hằng năm đều giảm; trong đó, hộ nghèo giảm từ 4,99% năm 2015 xuống còn 1,6% vào năm 2021, hộ cận nghèo giảm từ 6,07% năm 2015 xuống còn 3,18% vào năm 2021.
LÊ MINH