.

Ưu tiên đầu tư Trần Đề thành cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 17:29, 26/11/2022 (GMT+7)

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) có tên trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư để đến năm 2030 sẽ có năng lực thông quan từ 30- 35 triệu tấn hàng hoá.

Mặt bằng quy hoạch chi tiết khu bến Trần Đề ngoài khơi.
Mặt bằng quy hoạch chi tiết khu bến Trần Đề ngoài khơi.

Theo quy hoạch này, cảng Trần Đề được định hướng đầu tư thành cảng nước sâu cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, được ưu tiên đầu tư bến cảng khởi động tại khu vực ngoài khơi cửa Trần Đề cùng các bến cảng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và nhà máy.

Khu bến Trần Đề gồm các bến trong sông Hậu phía hạ lưu cầu Đại Ngãi, dự kiến đến năm 2025 sẽ có tổng chiều dài cầu cảng đạt 340 m với năng lực thông qua từ 2 – 2,1 triệu tấn và tiếp nhận từ 488.000 – 506.000 lượt khách. Đến năm 2030, khu này sẽ giữ nguyên quy mô khai thác và số lượng hành khách tăng lên, từ 564.000 – 570.700 lượt khách.

Đối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề, đến năm 2030, tổng chiều dài cầu cảng đạt 2.200 m với năng lực thông qua từ 30- 35 triệu tấn hàng hoá.

Trần Đề cũng là một trong các dự án được nêu tại hạng mục danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn tới. Trong đó, giai đoạn tới năm 2025 sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong (Khánh Hoà) và Trần Đề. Đến năm 2030, ngoài đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ và hạ lưu Cái Mép hạ, cũng có khu bến Trần Đề.

Ngoài ra, tại dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng của UBND tỉnh Sóc Trăng, cảng biển Sóc Trăng gồm ba khu bến là Đại Ngãi, Kế Sách và Trần Đề.

Đối với bến cảng Trần Đề, quy hoạch chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và năng lực của nhà đầu tư.

Các bến cảng sẽ được phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đủ sức đón tàu đến 5.000 tấn cho các bến sông, tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 tấn ngoài khơi cửa Trần Đề.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.