Thứ Năm, 22/12/2022, 18:46 (GMT+7)
.

Ba biến số của nền kinh tế toàn cầu năm 2023

Mối lo ngại lớn và chung cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2023 sẽ là hiện tượng lạm phát đình trệ (stagflation), một sự kết hợp nghiệt ngã giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ. Hiện tại các dự báo ngày càng đặt cược vào khả năng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ chậm, chỉ 1% trong năm tới.

Mối lo ngại chung cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2023 sẽ là hiện tượng lạm phát đình trệ (stagflation), một sự kết hợp nghiệt ngã giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ. Ảnh: Conference Board
Mối lo ngại chung cho tất cả các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2023 sẽ là hiện tượng lạm phát đình trệ (stagflation), một sự kết hợp nghiệt ngã giữa lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ. Ảnh: Conference Board

Tháng trước, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã đưa ra một ước tính gây sốc rằng, mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 là 1,2%, chỉ  bằng 1/5 mức tăng 6% của năm 2021, và chưa bằng một nửa so với mức 3,2% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo cho năm nay.

Hồi đầu tháng 12, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, khả năng tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 2% trong năm tới đang tăng lên.

Nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng dưới 2% hai lần kể từ năm 2000, bao gồm mức tăng trưởng -1,3% vào năm 2009 do khủng hoảng tài chính toàn cầu và mức tăng trưởng – 3,3% trong năm 2020 do đại dịch Covid-19.

IMF dự báo, lạm phát toàn cầu sẽ tăng 6,5% trong năm tới. Dù giảm so với ước tính 8,8% của năm nay, nhưng mức tăng đó vẫn cao.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, lạm phát trung bình là 6% cho nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu G20 trong năm tới. Tốc độ tăng đó cao hơn nhiều so với mức 1-2% ở các nền kinh tế lớn trước đại dịch.

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã quyết liệt tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, giá cả vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Lãi suất trong năm tới có thể sẽ ở mức cao trừ khi giá cả giảm xuống. Một nền kinh tế chuyển động chậm trong phạm vi 1% và giá cả tăng trong phạm vi 6%, đó là biểu hiệu rõ ràng của tình trạng lạm phát đình trệ.

Trong một bài viết đăng trên tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) hôm 18-12, cây bút Lee Sang-ryeol nhận định, nền kinh tế thế giới đang ở dưới nhiều tầng mây u ám. Những mối nguy hiểm lớn nhất đối với nền kinh tế trong năm tới sẽ tập trung vào ba biến số: Diễn biến chiến sự tại Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan, kết quả của chính sách về Covid-19 của Trung Quốc và nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ bùng nổ, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp.

Xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài

Tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể được hiểu bằng cách trả lời câu hỏi: “Kinh tế thế giới sẽ như thế nào nếu không có cuộc chiến tranh này?”. Nếu Nga không đưa quân và xe tăng qua biên giới Ukraine hồi tháng 2, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu lớn nhất kể từ cú sốc dầu mỏ của thập niên 1970 sẽ không xảy ra.

Giá dầu thô quốc tế tăng vọt lên mức trung bình 98 đô la Mỹ/thùng trong năm nay so với mức trung bình 69 đô la Mỹ hồi năm ngoái sau khi Nga “vũ khí hóa” năng lượng. Giá khí đốt tăng sốc hơn. Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào Nga đến 40-50% nhu cầu khí đốt. Giá nhiên liệu này tăng vọt sau khi Nga siết chặt dòng chảy khí đốt qua các đường ống dẫn tới EU.

Theo The Economist, giá khí đốt cho các lô hàng trong quí đầu tiên của năm 2023 đang ở mức trung bình là 125 euro/MWh, cao hơn khoảng sáu lần so với cùng kỳ năm trước.

Giá khí đốt tăng đột biến đã gây thiệt hại cho các nước thành viên của OECD. Tỷ lệ chi tiêu năng lượng so với GDP của các thành viên OECD tăng vọt lên 17%. Trong nửa thế kỷ qua, một cơn suy thoái luôn xuất hiện khi chi tiêu năng lượng vượt quá 13% GDP của các thành viên tổ chức này.

Chiến tranh ở Ukraine có thể diễn ra theo ba hướng. Thứ nhất, Nga có thể kết thúc chiến tranh bằng một thắng lợi áp đảo. Thứ hai, Ukraine hoàn toàn có thể đánh bại Nga. Cuối cùng, chiến sự có thể bế tắc trong một thời gian dài.

Hiện tại, cả nước Nga, một cường quốc quân sự lẫn Ukraine, nước nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây sẽ không dễ dàng đầu hàng. Cuộc xung đột giữa hai bên có khả năng kéo dài trong suốt năm tới.

Trung Quốc chấm dứt chính sách “zero Covid”?

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cực kỳ trì trệ trong năm nay. IMF ước tính tăng trưởng của Trung Quốc chỉ là 3,2%, thấp hơn một chút so với mức 3,3% mà OECD dự đoán. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay đã rơi về mức thấp nhất trong 30 năm, ngoại trừ năm 2020 do xảy ra đại dịch.

Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng chậm lại là do chính sách zero Covid nghiêm ngặt với các lệnh phong tỏa liên tục được triển khai. Chính điều này đã gây tổn thương lớn cho tiêu dùng và sản xuất ở Trung Quốc.

Triển vọng cho năm tới không hứa hẹn. IMF dự đoán Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 6,7% của nước này trong giai đoạn 2015-2019.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi nếu Trung Quốc, nhà sản xuất và chi tiêu lớn nhất thế giới, tăng trưởng chậm lại. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva lưu ý tăng trưởng kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào Trung Quốc đến 35-40%, nhưng năm nay và năm tới điều đó sẽ không xảy ra.

Gần đây, Bắc Kinh đã nới lỏng chính sách zero Covid, chẳng hạn bỏ yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính để sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải. Các chiến dịch xét nghiệm bắt buộc cũng được giảm bớt và người dân nhiễm Covid-19 có thể tự cách ly tại nhà nếu tình trạng bệnh chỉ ở mức nhẹ.

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có sẵn sàng dỡ bỏ hoàn toàn chính sách này hay không vẫn là điều chưa chắc chắn. Ở Trung Quốc, tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid-19 vẫn còn thấp và cơ sở hạ tầng y tế còn thiếu thốn.

Theo báo chí nước ngoài, chỉ có 40% những người từ 80 tuổi trở lên đã nhận được ba mũi tiêm phòng. Số giường bệnh cho người bệnh nặng chỉ là 4,3/100.000 người dân. Thậm chí, có những nghiên cứu cho rằng số ca tử vong vì Covid-19 ở Trung Quốc sẽ vượt 1 triệu người nếu Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế trong khi tỷ lệ tiêm chủng không tăng lên.

Một vấn đề lớn hơn là sự sụt giảm niềm tin của công chúng vào chính quyền. Bắc Kinh đã tự hào về chính sách zero Covid của mình trong ba năm qua nhưng cuối cùng chính sách này đã không thể trụ vững. Nếu quyền kiểm soát của Bắc Kinh đối với khu vực tư nhân bị suy yếu, nhiều vấn đề tiềm ẩn khác như các khoản nợ khổng lồ của chính quyền địa phương có thể xuất hiện.

Cho Won-kyung, giáo sư tại Viện Khoa học và công nghệ quốc gia Ulsan (Hàn Quốc), dự đoán việc bình thường hóa thành công từ chính sách zero Covid nghiêm ngặt có thể định hình quỹ đạo của nền kinh tế Trung Quốc trong năm tới.

Mối lo về khối nợ toàn cầu 290 nghìn tỉ đô la Mỹ

Khi lãi suất tăng, chi phí trả nợ cũng tăng theo. IIF ước tính đến cuối tháng 10, tổng nợ toàn cầu của các chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đã lên tới 290,6 nghìn tỉ đô la Mỹ, tăng 28% so với mức 226 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Lãi suất cao hơn làm suy yếu khả năng chi tiêu của các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Thị trường bất động sản trên khắp thế giới đã nhanh chóng rơi vào xu hướng ảm đạm.

Thu nhập cần phải tăng lên để có thể giúp mọi người cáng đáng gánh nặng lãi suất gia tăng, hoặc lãi suất cần phải giảm xuống. Nhưng không thể kỳ vọng thu nhập cao hơn trong một nền kinh tế yếu kém.

Sau khi tạo ra vòng xoáy tăng lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa báo hiệu ý định nới lỏng. Cả các quan chức Fed lẫn các chuyên gia ở Phố Wall đều dự báo mức lãi suất đỉnh của Mỹ sẽ cao hơn 5% vào năm tới.

Khối lượng nợ lớn cùng với lãi suất cao có thể gây ra vỡ nợ dây chuyền và khủng hoảng tài chính. IMF dự đoán 60% các nước có thu nhập thấp đang rơi vào khủng hoảng nợ hoặc đang tiến gần đến đó.

Khủng hoảng tài chính rất dễ lây lan. Chẳng hạn, Hàn Quốc từng rơi vào khủng hoảng thanh khoản trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Nền kinh tế toàn cầu có thể bị sa lầy trong sự kết hợp giữa lạm phát đình trệ giống như thập niên 1970 và cuộc khủng hoảng nợ kiểu năm 2008. Vào những năm của thập niên 1970, lạm phát đình trệ không đi kèm với các vấn đề nợ nần. Năm 2008, kinh tế suy thoái nhưng lạm phát không phải là nỗi lo.

“Các nước có thu nhập thấp và các nền kinh tế mới nổi cũng như một số nước phát triển hiện đang có nợ quá mức. Việc quản lý nợ kém có thể gây ra những chấn động lớn trên thị trường tài chính và tác động tiêu cực đến nền kinh tế của chúng ta”, Sung Tae-yoon, giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) lưu ý.

Cây bút Lee Sang-ryeol nhận định, “các ngòi nổ” dường như đang giăng khắp mọi nơi trong nền kinh tế toàn cầu. “Các nhà hoạch định chính sách của mỗi nước phải mở rộng tầm mắt để tìm hướng ‘hạ cánh mềm’ (tăng trưởng chậm lại nhưng tránh được suy thoái) vì nền kinh tế của họ không thể tách rời khỏi nền kinh tế toàn cầu”, Lee Sang-ryeol viết.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.