Thứ Sáu, 02/12/2022, 09:51 (GMT+7)
.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang:

Hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường

Trong năm 2022, với sự chủ động, nắm sát diễn biến thị trường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang đã linh hoạt trong triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch, hoàn thành tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn nghiệp vụ, trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Đồng thời, chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các kế hoạch, văn bản khác có liên quan.

Đối với lĩnh vực hàng nhập lậu, hàng cấm, lực lượng QLTT đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 117 vụ, xử lý 116 vụ, thu phạt hơn 469 triệu đồng; tịch thu 6.198 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại, 11 điện thoại di động, trị giá hơn 267 triệu đồng.  Trong lĩnh vực hàng giả (xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), đơn vị đã kiểm tra phát hiện vi phạm 8 vụ, xử lý 9 vụ (1 vụ cũ), thu phạt hơn 267 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 52 triệu đồng.

Cục QLTT tỉnh Tiền Giang hoàn thành tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cục QLTT tỉnh Tiền Giang hoàn thành tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, do đó, lực lượng QLTT đã tập trung triển khai các giải pháp để hoàn thành tốt công tác này. Theo đó, đơn vị đã kiểm tra 171 vụ (lấy 81 mẫu). Kết quả, có 40 mẫu không vi phạm, 33 mẫu vi phạm, 8 mẫu đang chờ kết quả. Qua kiểm tra, phát hiện vi phạm 79 vụ, xử lý 80 vụ (6 vụ cũ), thu phạt trên 727 triệu đồng, giá trị hàng hóa vi phạm hơn 675 triệu đồng, 5 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ chờ xử lý.

Một điểm nhấn nổi bật trong năm 2022 của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang là hoàn thành tốt công tác kiểm tra, kiểm soát trên lĩnh vực phân bón. Qua công tác nắm địa bàn, đơn vị đã kịp thời kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng, góp phần bảo vệ quyền lợi người nông dân.

Theo đó, lực lượng QLTT đã kiểm tra 170 vụ (lấy 75 mẫu phân bón, kết quả phát hiện 37 mẫu vi phạm, 38 mẫu đạt). Qua kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện vi phạm 144 vụ, xử lý 152 vụ (8 vụ cũ), thu phạt hơn 3,4 tỷ đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 2,2 tỷ đồng. Hành vi vi phạm gồm: Buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng; không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; vi phạm về nhãn hàng hóa, điều kiện kinh doanh; không niêm yết giá. Trong đó, đơn vị đã phát hiện và xử lý 31 vụ buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng, thu phạt trên 2,5 tỷ đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 806 triệu đồng.

Công tác tuyên truyền pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Cục QLTT tỉnh đã lồng ghép công tác tuyên truyền vào nội dung kế hoạch công tác năm, phân chia cụ thể theo từng quý để chủ động trong triển khai thực hiện.

Song song với công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đơn vị còn tuyên truyền trực tiếp thông qua công tác kiểm tra thị trường 1.062/1.015 lượt, đạt 104,6%; phát 20.000 tờ gấp tuyên truyền về “Một số quy định pháp luật về thương mại điện tử đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn tỉnh; một số quy định pháp luật về luật khuyến mại”; đăng trên Trang Thông tin điện tử của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang 167 bài; cho 573 cơ sở kinh doanh ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong năm 2022, khi tình hình kinh doanh xăng, dầu gặp nhiều khó khăn. Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã chủ động nắm tình hình, tăng cường hoạt động giám sát, góp phần đảm bảo việc cung ứng xăng, dầu trên địa bàn tỉnh không bị gián đoạn.

Theo đó, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 62 vụ, vi phạm 20 vụ, xử lý 20 vụ, thu phạt hơn 700 triệu đồng. Hành vi vi phạm gồm: Kinh doanh xăng, dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng, dầu hết hiệu lực; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng, dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định… Đồng thời, giám sát, khảo sát 8.129 lượt đối với các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu. Kết quả, các cửa hàng hoạt động bình thường không có dấu hiệu găm hàng, cắt giảm thời gian, số lượng bán hàng.

Ngoài ra, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang còn chủ động xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch công tác về thương mại điện tử năm 2021 - 2022. Với sự chủ động, nắm chắc tình hình, đơn vị đã kiểm tra 19 vụ, phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm, thu phạt hơn 205 triệu đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 494 triệu đồng. Hành vi vi phạm gồm: Buôn bán (mỹ phẩm, quần áo các loại) không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hóa nhập lậu (điện thoại di dộng các loại đã qua sử dụng, thực phẩm, quần áo); hàng hóa nhập khẩu (mỹ phẩm, thực phẩm) vi phạm nhãn hàng hóa; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Nhìn chung, với sự chủ động, linh hoạt trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã đảm bảo tốt công tác các nhiệm vụ được giao. Kết quả, trong năm 2022, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 1.073 vụ, vi phạm 707 vụ, xử lý 708 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6,8 tỷ đồng (thu phạt vi phạm hành chính hơn 6,4 tỷ đồng, bán hàng tịch thu 396 triệu đồng).

Theo đánh giá của Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, trong năm 2022, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và dịch bệnh có nơi, có lúc diễn biến phức tạp, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên, sâu sát của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh Tiền Giang, Ban Chỉ đạo 389/TG; sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và sự phấn đấu của toàn thể công chức đơn vị nên đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và phòng, chống dịch. Lực lượng QLTT đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; trong đó, có nhiều vụ việc nổi cộm, điển hình, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

M. THÀNH

.
.
.