Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Với mục tiêu tạo ra nông sản đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là dưa lưới.
Nhận thấy triển vọng từ mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao nên từ giữa năm 2018, sau khi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, HTX đã mạnh dạn đầu tư sản xuất. Sau một vài vụ dưa mang lại hiệu quả, HTX đã từng bước đẩy mạnh nhân rộng mô hình này cho các thành viên.
HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Phong là một trong những đơn vị của tỉnh tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. |
Ông Phan Thanh Phú, Phó Giám đốc HTX cho biết, hiện HTX có hơn 100 thành viên. Trong đó, có hơn 20 thành viên trực tiếp trồng dưa lưới với diện tích 3 ha. Các thành viên còn lại chủ yếu tham gia vào việc chăm sóc, sơ chế, đóng gói sản phẩm. Trên thực tế, do là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Trung bình 1.000 m2 nhà màng trồng dưa lưới, nông dân phải bỏ ra từ 300 - 350 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cao và thời gian thu hồi vốn nhanh là ưu điểm của mô hình này. Ông Phan Thanh Phú chia sẻ: “Trung bình mỗi vụ dưa lưới kéo dài khoảng 2,5 tháng, do đó nông dân có thể trồng 4 vụ/năm. Trung bình 1.000 m2, năng suất mỗi vụ đạt khoảng 3,5 tấn. Nông dân có thể thu lời nhuận từ 40-50 triệu đồng. Cứ khoảng 2 đến 2,5 năm, người trồng có thể thu hồi chi phí đầu tư ban đầu”.
Để giúp thành viên an tâm sản xuất, HTX cam kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên với mức giá đảm bảo cho người dân có lãi. Hiện HTX đã ký kết hợp đồng cung ứng dưa lưới cho các đối tác như: Bách Hóa Xanh, siêu thị Lotte, một số công ty cung cấp trái cây ở Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh… Trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 70 - 100 tấn dưa lưới.
Để đảm bảo nguồn cung cho các đối tác, hiện HTX còn liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận thu mua dưa lưới với diện tích khoảng 7 ha. Các nông dân tham gia liên kết phải tuân thủ quy trình kỹ thuật trong canh tác mà HTX đưa ra. |
Theo ông Phan Thanh Phú, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khi trồng dưa lưới, thành viên HTX luôn tuân thủ theo quy trình sản xuất. Theo đó, HTX áp dụng hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt. Phân bón dùng để bón cho cây cũng hầu như là phân hữu cơ. Khi đến thời điểm gần thu hoạch, thành viên sẽ tiến hành ngưng sử dụng các loại phân từ 7 - 10 ngày.
Riêng thuốc bảo vệ thực vật, HTX cũng chủ yếu sử dụng các loại thuốc sinh học. So với sản xuất truyền thống, việc canh tác trong nhà màng rất ít phát sinh sâu bệnh. Do đó, sản phẩm của HTX sản xuất ra đảm bảo sạch, an toàn khi sử dụng. Có thể nói, việc sản phẩm dưa lưới của HTX vừa mới được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao đã đánh dấu bước phát triển của HTX. Đây là điều kiện để HTX mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất.
Theo ông Phan Thanh Phú, hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao còn tiềm năng rất lớn để phát triển. Điều này phù hợp với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trong định hướng phát triển tới đây, HTX sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng doanh thu cho HTX, giúp thành viên nâng cao thu nhập.
HTX sẽ mở rộng diện tích sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các đối tác. Hiện HTX đang triển khai xây dựng thêm 2 ha trồng dưa lưới trong nhà màng ở huyện Tân Phước. Ngoài ra, HTX sẽ liên kết, hướng dẫn nông dân khi có nhu cầu để cùng nhau sản xuất, nhân rộng mô hình.
ANH THƯ