Huyện Châu Thành: Tiếp tục triển khai 4 khâu đột phá
Năm 2022 được xem là năm thành công của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trong việc phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19, với nhiều điểm sáng về các chỉ tiêu, kế hoạch của năm. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn ở phía trước, bởi theo dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
CHỦ ĐỘNG NGAY TỪ ĐẦU NĂM
Dự báo, nhận định năm 2022 là năm khó khăn, nên ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2022 và sau đó được cụ thể hóa thành kế hoạch tuần, tháng, quý để lãnh đạo thực hiện. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều được xem xét, đánh giá tiến độ thực hiện trong các phiên họp báo tuần của Ban Thường vụ Huyện ủy để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.
Công viên văn hóa của xã nông thôn mới Tân Hội Đông. |
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện luôn có sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong huyện. Trên tinh thần đó, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 đạt khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu thực hiện vượt so với nghị quyết.
Tuy nhiên, đó là kết quả khi nhìn toàn cục với những nỗ lực của toàn Đảng bộ, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của nhân dân. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, có nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, mà nếu tập trung khắc phục thì kết quả sẽ trọn vẹn hơn.
Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá cao nhưng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của 3 khu vực chưa đạt nghị quyết. Một số công trình, dự án mang tính đột phá của huyện về phát triển đô thị, kêu gọi đầu tư vào thương mại - dịch vụ từ nguồn vốn xã hội hóa thực hiện còn chậm do thị trường bất động sản tăng cao những năm qua hoặc vướng các thủ tục nên phần nào đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.
Giá nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có lúc rất thấp nên người dân sản xuất không có lãi đã ảnh hưởng đến thu nhập và tái đầu tư; kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp còn chậm so với yêu cầu. Mặc dù có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ bản nhưng vẫn còn chậm do giá nguyên vật liệu tăng đã ảnh hưởng tiến độ và việc giải ngân vốn.
VÀ NHỮNG ĐIỂM SÁNG
Ngay từ đầu năm 2022, trong lãnh đạo, điều hành, Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành luôn bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, của năm 2022 gắn với đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và được cụ thể hóa thành kế hoạch tuần, tháng, quý để lãnh đạo.
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều được xem xét, đánh giá tiến độ thực hiện trong các phiên họp báo tuần của Ban Thường vụ Huyện ủy, sơ kết quý, 6 tháng, 9 tháng để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vì thế, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển và đạt được khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu thực hiện vượt cao so với nghị quyết năm.
Cụ thể là: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 được 7.255 tỷ đồng, đạt 100,07% nghị quyết; tổng thu ngân sách theo phân cấp năm 2022 được 221,5 tỷ đồng, đạt 135,47% kế hoạch năm. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, các chính sách an sinh xã hội triển khai mang lại hiệu quả thiết thực; thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid- 19 và bệnh sốt xuất huyết; công tác quân sự, quốc phòng địa phương và an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, năng lực lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện từng bước được nâng lên. Việc lãnh đạo quán triệt thực hiện các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy đúng theo kế hoạch và lãnh đạo tổ chức thành công đại hội các đoàn thể nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Bí thư Huyện ủy Châu Thành Trương Minh Tới cho biết: Năm 2023, huyện tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện, Chương trình hành động thực hiện của UBND huyện, nhất là các khâu đột phá, phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có và khai thác tốt các nguồn lực để tạo sự phát triển cao, bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ đi đôi với nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục nâng cao khả năng lãnh đạo, điều hành theo hướng sâu ngành, sát cơ sở đi đôi với đề cao vai trò, trách nhiệm của từng cấp Ủy viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được phân công phụ trách để kịp thời giải quyết những khó khăn của ngành, cơ sở, nhất là các khâu đột phá và khai thác các lợi thế, nguồn lực của huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất.
Huyện tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cấu trúc ngành Công nghiệp gắn thực hiện kịp thời các chính sách để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó là tiếp tục củng cố các đơn vị kinh tế tập thể hiện có; thành lập mới ở những ngành, lĩnh vực có nhu cầu thực sự. Đồng thời, tập trung lãnh đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp thực hiện đạt các tiêu chí, nhất là các tiêu chí chưa đạt để được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2023.
PHẠM HUỲNH