Phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh tài chính quốc gia
Phản ứng chính sách phù hợp, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả; bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh tài chính quốc gia. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị tổng kết năm năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính được tổ chức chiều 19-12, tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023 của ngành tài chính. (Ảnh: Trần Hải) |
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022, với phương châm hành động “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội để chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Thủ tướng khẳng định, những kết quả khá toàn diện đạt được về phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 có sự đóng góp quan trọng, trực tiếp của ngành tài chính. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của cả ngành tài chính và của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành tài chính, các địa phương đã nỗ lực, góp phần vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính bám sát, phân tích tình hình để từ đó có phản ứng chính sách phù hợp, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hiệu quả, giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác trong điều hành kinh tế vĩ mô. Muốn vậy, phải phối hợp chặt chẽ, chia sẻ công việc, thông tin; tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, giữa hạn mức tín dụng với nhu cầu của thị trường, giữa tăng trưởng với lạm phát trong hoàn cảnh đất nước ta là nước đang phát triển, một nước chuyển đổi.
Thủ tướng chỉ đạo, chính sách tiền tệ liên quan chặt chẽ chính sách tài khóa; chính sách tài khóa thực hiện mở rộng có trọng tâm, trọng điểm; phải được nghiên cứu kỹ, trao đổi với ngành ngân hàng; phải lo công việc của Bộ mình như lo công việc của nhà mình.
Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số bởi đây là một xu thế tất yếu khách quan để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, bớt phiền hà cho người dân; tích cực hoàn thiện thể chế.
Về tình hình năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn còn; cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, vấn đề liên quan địa chính trị phức tạp... những điều này đang tác động toàn thế giới, kéo theo vấn đề năng lượng, lương thực, an ninh thông tin, tăng lãi suất; lạm phát cao ở các nước trên thế giới, đời sống nhân dân đi xuống, nhu cầu thị trường giảm đi... Những điều này ảnh hưởng trực tiếp nước ta, trước mắt là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, khi đó thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính chủ động, tích cực, bám sát vào các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, căn cứ vào các đối tượng quản lý để đưa ra các chính sách phù hợp; tiếp tục nghiên cứu giảm thuế, phí và lệ phí cho doanh nghiệp để khơi thông cho sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu. Khi tình hình khó khăn thì cách ứng xử phải thay đổi, bám sát diễn biến.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh phương châm điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả. Theo đó, ngành phải điều hành kiên định, bản lĩnh; điều hành không cứng nhắc, không “giật cục”; luôn luôn đổi mới sáng tạo vì đây là khởi nguồn cho động lực, nguồn lực từ tư duy, động lực từ đổi mới, sức mạnh từ nhân dân; phải dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị gia tăng.
Thủ tướng nêu bật nhiệm vụ đặt ra với ngành tài chính hết sức nặng nề vì phải tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện để bảo đảm tuyệt đối an toàn về an ninh tài chính quốc gia; tập trung ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, trong đó, có cân đối thu chi và phấn đấu bội thu để giảm bội chi, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Ngoài ra, ngành tài chính phải tăng cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội; theo dõi kiểm soát giá cả thị trường những là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân dịp Tết, bảo đảm ổn định, không để tăng giá. Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực hợp lý, trong đó đặt văn hóa ngang hàng kinh tế-xã hội, chính trị; nghiên cứu chi tiêu phù hợp tình hình; tập trung các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; theo dõi sát tình hình giá cả để có giải pháp, công cụ điều tiết giá cả, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo:
Căn cứ Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính xây dựng chương trình hành động, thực hiện chính sách tài khóa phù hợp, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương; tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát; tập trung xây dựng rà soát, hoàn thiện thể chế;
Tạo đột phá về thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cơ cấu lại bộ máy phù hợp, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tăng cường quản trị bằng chuyển đổi số; quản lý thu chi, bảo đảm thu đúng thu đủ, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh như thương mại điện tử, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước; tập trung chuyển đổi số công khai, minh bạch; tổ chức điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm tối đa nhất là chi thường xuyên.
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) |
Bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi quan trọng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; xây dựng nhiệm vụ cho động lực tăng trưởng; kiểm soát bội chi. Tăng cường quản lý giá cả thị trường; củng cố, nâng cao chất lượng các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm. Chúng ta phải ngồi lại với nhau, rà soát về thể chế để gỡ vướng, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn, phương thức trả...
Phải làm tốt công tác truyền thông chính sách; tiếp tục củng cố, đẩy nhanh kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu sử dụng vốn nhà nước ở các doanh nghiệp này để đưa ra đầu tư, thí dụ đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn, tiêu cực; kịp thời chấn chỉnh, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; áp dụng chuyển đổi số trong quá trình kiểm tra; tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy; kịp thời khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quản lý các thị trường để xây dựng công cụ quản lý tốt, để các thị trường này phát triển lành mạnh.
Tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính; hợp tác quốc tế phải đem lại hiệu quả, phải tăng cường học hỏi những mô hình hay ở các nước; đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, cơ cấu lại một số ngành hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Nhì cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Trần Hải) |
Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về cả chính sách; phân bổ ngân sách hợp lý; các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực làm cho ngân sách ngày càng phát triển trên tinh thần phân bổ công khai, minh bạch; đổi mới tư duy, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, có cơ chế để không có tiêu cực...
Theo nhandan.vn