Tăng cường tour liên tuyến kết nối TPHCM với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL thúc đẩy phát triển du lịch
Một trong những giải pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL là tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến xuyên vùng. Kết nối trung tâm kinh tế phía Nam với vựa lúa, thủy hải sản, trái cây và trung tâm du lịch sinh thái giàu tiềm năng nhất cả nước.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Ngày 16-12 tại TP Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang và UBND TPHCM cùng phối hợp đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, cách đây 9 tháng, ngày 18 tháng 3 năm 2022, tại Bạc Liêu, TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch, chỉ 3 ngày sau khi Việt Nam công bố mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch.
Có thể nói, chúng ta đã chủ động từ rất sớm cho việc khôi phục trở lại hoạt động du lịch của thị trường du lịch lớn nhất nước là TPHCM và ĐBSCL. Sau 9 tháng phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch, Việt Nam đã có hơn 96,3 triệu khách du lịch nội địa, cao hơn số khách cả năm 2019; trong đó, TPHCM và ĐBSCL đón khoảng 45 triệu lượt khách du lịch nội địa, chiếm khoảng 46% khách du lịch nội địa của cả nước.
Thực tế đó chứng minh, bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch từng địa phương, liên kết giữa TPHCM với vùng ĐBSCL đã đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của đất nước sau dịch Covid-19. Đó cũng là động lực để 14 tỉnh, thành tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động liên kết trong thời gian sắp tới.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng trao đổi với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về các sản phẩm du lịch đặc sắc của vùng ĐBSCL. Ảnh: QUỐC BÌNH |
Để tiếp tục thúc đẩy liên kết, tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL trong thời gian tới, đồng chí Phan Thị Thắng nêu 4 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Các sản phẩm liên tuyến cần phải mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn. Cần tăng cường các hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới giữa các tỉnh thành trong liên kết đến với doanh nghiệp và du khách thông qua các kênh thông tin quảng bá của 14 tỉnh thành và các kênh thông tin đại chúng.
Hai là, tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường trong nước trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của các địa phương để “hút” dòng khách từ các tỉnh thành khác đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết của vùng.
Ba là, phối hợp tổ chức các hoạt động về xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch vào TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 5 tỉnh Đông Nam bộ. Song song đó tăng cường các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ của 14 tỉnh thành phố trong liên kết.
Bốn là, tăng cường công tác phối hợp trên lĩnh vực quản lý nhà nước để cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch chung của vùng; đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch chung của Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển chung của du lịch như quy định về miễn thị thực, thị thực điện tử….
Theo sggp.org.vn