.

Tiền Giang hướng đến tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cập nhật: 11:31, 29/12/2022 (GMT+7)

Chiến thắng Ấp Bắc đã trôi qua 60 năm, nhưng hào khí của những năm tháng ấy vẫn luôn chói sáng đối với nhiều thế hệ người con Tiền Giang. Phát huy truyền thống yêu nước, tự hào về quê hương Ấp Bắc anh hùng, Tiền Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

TẠO DỰNG MÔI TRƯỜNG MỚI

Tiền Giang đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ mục tiêu quan trọng này, Tiền Giang đã lựa chọn những bước đi và các khâu đột phá quan trọng, đó là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn và phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết cũng xác định từng chỉ tiêu cụ thể như tăng trưởng kinh tế bình quân 7% - 7,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 91,5 - 93,5 triệu đồng chưa kể giá trị kim ngạch xuất khẩu hay tổng thu ngân sách nhà nước…

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chúc mừng nhân sự kiện khánh thành Nhà máy Want Want Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chúc mừng nhân sự kiện khánh thành Nhà máy Want Want Việt Nam.

Tất nhiên, để đạt được các chỉ tiêu cụ thể này cần sự nỗ lực, phấn đấu của nhiều ngành, địa phương. Trên cơ sở nghị quyết, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, địa phương để triển khai thực hiện theo từng lộ trình cụ thể. Một trong những điểm nhấn quan trọng được UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là tập trung xây dựng và tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm căn cứ triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm.

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần thực hiện kịp thời công tác tư vấn, nghiên cứu xây dựng Quy hoạch theo cách tiếp cận mới, theo hướng tích hợp các quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển..., nhất là phải tìm ra ý tưởng mới nhằm khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với lộ trình thực hiện các Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Tái cấu trúc ngành Công nghiệp, Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch…

Tạo lập môi trường thông thoáng, cởi mở để thu hút đầu tư là bước đi lâu dài trong chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu của Tiền Giang. Liên quan đến khía cạnh này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong giai đoạn tới 2020 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu thu hút 180 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 79.000 tỷ đồng, tăng 58 dự án, vốn đầu tư dự kiến gấp 2,14 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 và tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, nhất là trái cây để góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản, trái cây - đây là loại cây chủ lực, thế mạnh của tỉnh.

Năm 2022, dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Tiền Giang có dấu hiệu phục hồi khá tốt. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 dự kiến tăng 7,02% so năm 2021; GRDP bình quân đầu người ước đạt 63,1 triệu đồng, bình quân tăng 6,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2021; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước cả năm 2022 thực hiện 10.665 tỷ đồng, tăng hơn 23% so thực hiện năm 2021 và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,9 tỷ USD…

Bước vào đầu nhiệm kỳ, dưới tác động lớn của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang nói chung và thu hút đầu tư nói riêng. Trong bối cảnh này, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông, để thu hút đầu tư gắn với phục hồi kinh tế, tỉnh đã tập trung hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để tổ chức mời gọi đầu tư các dự án theo đúng quy hoạch, định hướng của tỉnh.

Tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để giới thiệu các dự án đã đưa vào danh mục dự án mời gọi đầu tư, các dự án thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp đã có sẵn hạ tầng; thực hiện công tác rà soát về đất đai, quy hoạch… Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng tập trung quyết liệt cho công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chú trọng công tác đồng hành, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng. Thông qua nhiều giải pháp, dự kiến cả năm 2022, Tiền Giang thu hút được 17 dự án, với tổng vốn dự kiến thu hút được hơn 10.214 tỷ đồng, tăng 92% so với năm 2021.

XỐC VÀO HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Đầu tư hạ tầng, đẩy nhanh các dự án đầu tư mang tính trọng điểm nhằm tạo động lực trong phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cũng là một trong những nội dung quan trọng góp phần đưa Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2025. Dựa trên định hướng này, nhiều chiến lược phát triển hạ tầng giao thông cũng được ngành Giao thông vận tải tính toán.

Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 sắp hoàn thành giúp Tiền Giang tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực.                                                                                                                                                                                   Ảnh: MINH THÀNH
Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 sắp hoàn thành giúp Tiền Giang tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực. Ảnh: MINH THÀNH

Theo Sở Giao thông Vận tải, trong những năm tới ngành sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các dự án công trình giao thông liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông như: Cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2… Song song đó, Tiền Giang cũng sẽ phối hợp với tỉnh Long An mời gọi đầu tư dự án trục đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang. Chưa kể, nhiều dự án giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh nhằm phát huy vai trò các đô thị trung tâm cùng với giao thông thủy và hệ thống logistics cũng được tính toán đầu tư phù hợp.

Một trong những dự án hạ tầng giao thông mang tính trọng điểm của Tiền Giang sắp được triển khai là đường tỉnh 864 và tuyến đường bộ ven biển. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Văn Bon cho biết, Dự án Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) đã được UBND tỉnh phê duyệt, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 3.263 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 (2022 - 2025), tỉnh sẽ tập trung giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đoạn tuyến từ TP. Mỹ Tho đến xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông (giao đường tỉnh 862), giá trị đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2026 - 2027), tỉnh sẽ triển khai từ Quốc lộ 30 (đầu tuyến) đến thị trấn Cái Bè (huyện Cái Bè), giá trị đầu tư khoảng 1.363 tỷ đồng. Dự kiến các gói thầu giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai trong quý I-2023.

Còn đối với Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre (giai đoạn 1), Sở Giao thông Vận tải cũng đã nghiên cứu, tổng hợp ý kiến các đơn vị liên quan xây dựng phương án tuyến của dự án trình UBND tỉnh chấp thuận. Theo đó, điểm đầu tuyến tại nút giao giữa Quốc lộ 50 và đường tỉnh 871B. Điểm cuối tại ấp Bà Từ, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, cách Bến đò Bình Tân - Cửa Đại khoảng 1 km về hướng Đông…

Nhìn ở khía cạnh khác, muốn tăng thu ngân sách, cải thiện thu nhập, tạo nguồn lực đầu tư xã hội…, việc tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh, kết hợp với công tác chỉnh trang đô thị là một trong những mục tiêu quan trọng. Theo định hướng của tỉnh, tiếp sau Dự án Khu phức hợp tại khu đất Nhà Thiếu nhi của tỉnh (cũ), Dự án Khách sạn Central Plaza, Cảng Du thuyền, tỉnh sẽ tập trung phát triển khu đô thị phía Bắc Quốc lộ 50 gắn kết với Quảng trường Hùng Vương, Dự án Khu dân cư An Hòa...

Trong định hướng phát triển, Tiền Giang cũng sẽ tính toán triển khai các dự án tại khu dân cư dọc sông Tiền như: Khách sạn, phố đi bộ, phố ẩm thực, trung tâm thương mại dịch vụ phức hợp; các dự án gắn với khai thác khu quy hoạch Dự án Công viên Trái cây Cái Bè...; nghiên cứu triển khai dự án kè kết hợp với đường dọc kinh Bảo Định; tập trung phát triển vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công, trước mắt là Khu công nghiệp Soài Rạp, Khu công nghiệp Bình Đông cùng các cụm công nghiệp…

T.A

.
.
.