.

Tiền Giang: Nâng tầm giá trị sản phẩm địa phương

Cập nhật: 11:24, 21/12/2022 (GMT+7)

(ABO) Giá trị sản phẩm địa phương của Tiền Giang không ngừng được nâng cao và lan tỏa sâu rộng. Điều này một phần xuất phát từ hiệu ứng từ các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Với hơn 170 sản phẩm được công nhận OCOP, Tiền Giang được xem là một trong những địa phương gặt hái nhiều hiệu quả từ chương trình này, góp phần đưa đặc sản quê hương có mặt ở nhiều vùng miền của đất nước.

HIỆU ỨNG

Từ những bước sơ khởi ban đầu với 4 sản phẩm được công nhận OCOP, cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, đến nay Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây), đã phát triển 14 dòng sản phẩm; trong đó công nhận OCOP thêm 7 sản phẩm và đặc biệt là công ty đã mở hơn 30 đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh tại các điểm du lịch nổi tiếng như: Phú Quốc, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng...

Từ nền tảng ban đầu đến nay công ty đã mở rộng nhà máy, với vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng được tỉnh phê duyệt và quỹ hỗ trợ khoa học tỉnh cho vay ưu đãi 5 tỷ đồng. “Việc chứng nhận sản phẩm OCOP đã tạo nên hiệu ứng tích cực, giúp công ty mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng như nhân rộng các kênh phân phối”- bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc công ty cho biết.

Sản phẩm OCOP của Công ty Thiên Ân.
Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân.

Một trong những đơn vị khác cũng đã tận dụng và khai thác rất tốt từ hiệu ứng của sản phẩm OCOP. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH TMDV Trí Sơn (TP. Mỹ Tho) đã tạo ra nhiều giỏ quà Compo từ sản phẩm OCOP để cung cấp cho khách hàng cao cấp và mới đây đã ký kết chương trình phối hợp với Đại học Công nghiệp thực phẩm (TP. Hồ Chí Minh) nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hiện tại, công ty có 40 sản phẩm; trong đó được chứng nhận 18 sản phẩm OCOP 4 sao và đã mở 49 nhà phân phối khắp tỉnh, thành trong cả nước.

Mới đây, nhằm tận dụng và khai thác tốt hơn các sản phẩm OCOP, Công ty TNHH TMDV Trí Sơn cũng đã khai trương điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang tại Trung tâm Phát triển du lịch. Theo ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn, với hệ thống quản lý chặt chẽ từ trang trại đến tay người tiêu dùng và quy trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2018, HACCP, Yến Sào Trí Sơn đã và đang không ngừng hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ra đời nhằm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh Tiền Giang đến với người tiêu dùng.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ

Theo đánh giá chung của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, các chủ thể đưa vào sản xuất phát triển mạnh trên thị trường, nhiều sản phẩm được đưa vào siêu thị, các cửa hàng tiện ích, các giỏ quà tặng, các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng sản phẩm. Nhiều sản phẩm đã tạo dấu ấn riêng trên thị trường. Chẳng hạn, ngoài sản phẩm của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân  hay Công ty TNHH TMDV Trí Sơn, sảm phẩm mắm tôm chà Gò Công sau khi chứng nhận OCOP cũng được các hệ thống siêu thị đưa vào bán, góp phần tăng doanh số khá cao cho Hợp tác xã Mắm Gò Công, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội do tác động của dịch Covid-19, sản phẩm này không đủ cung cấp cho các gói Compo giao cho thị trường TP. Hồ Chí Minh.

Hợp tác xã Đông Nghi với sản phẩm OCOP từ sữa dê đã mở rộng nâng cấp thành điểm du lịch nông thôn, hiện nay hợp tác xã cũng đã mở nhiều đại lý từ Phú Quốc, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội và hiện không đủ nguyên liệu để sản xuất… Chưa kể, hiện có rất nhiều sản phẩm chứng nhận OCOP đi vào các giỏ quà tặng, các cửa hàng tiện ích...

Dù mang lại kết quả ấn tượng, tạo được sức lan tỏa lớn nhưng Chương trình OCOP của Tiền Giang nói chung, việc khai thác hiệu ứng của mỗi sản phẩm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, một trong những nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, thường xuyên, liên tục nên nhiều cơ sở sản xuất chưa hiểu hết ý nghĩa, nội dung chương trình, chưa thấy lợi ích thiết thực khi tham gia; vai trò và sự tham gia của chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế, chưa chủ động trong triển khai, hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình.

Ngoài ra, sản phẩm chế biến tuy có bước phát triển nhưng chưa nhiều, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu.

Trong thời gian tới, ngoài tập trung công tác tuyên truyền, tập huấn, ngành Nông nghiệp Tiền Giang sẽ tăng cường tổ chức quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh qua các hội chợ, diễn đàn trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong nước (ưu tiên tập trung vào các chương trình OCOP quốc gia) nhằm quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng tập trung hỗ trợ giới thiệu và đưa sản phẩm OCOP thương mại điện tử và cổng thông tin điện tử kết nối OCOP https://ketnoiocop.vn; hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp thực hiện giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, homestay, farmstay…

TT

.
.
.