Thứ Sáu, 16/12/2022, 09:44 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tạo lập môi trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Với sự quan tâm hỗ trợ của UBND tỉnh Tiền Giang cũng như sự đồng hành của các ngành liên quan, thời gian qua, hệ sinh thái (HST) khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn Tiền Giang từng bước hình thành. Trên cơ sở đó, nhiều mô hình khởi nghiệp đã phát huy hiệu quả, khẳng định khát vọng lập thân, lập nghiệp.

NHỮNG MÔ HÌNH KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG

Năm 2015, chị Lê Khắc Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) đầu tư chuồng trại để nuôi dê thịt, nhưng không hiệu quả. Qua nghiên cứu, nhận thấy giá trị dinh dưỡng trong sữa dê tốt cho sức khỏe, nên năm 2017, chị Nghi quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ sữa dê. Giống dê được chị lựa chọn để nuôi lấy sữa là giống Saanen. Để các sản phẩm từ sữa dê của nông trại đạt chất lượng, đúng chuẩn hữu cơ, gia đình đã tự trồng cỏ, mít Thái cho dê ăn nhằm tạo ra nguồn sữa dê nguyên liệu thơm ngon.

Chị Lê Khắc Đông Nghi khởi nghiệp với mô hình nuôi dê lấy sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa dê.               			                               			                                Ảnh: Minh thành
Chị Lê Khắc Đông Nghi khởi nghiệp với mô hình nuôi dê lấy sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa dê. Ảnh: Minh thành

Theo chị Nghi, sau thành công bước đầu, chị đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi với mong muốn chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi dê sữa cho người dân địa phương. Đến nay, HTX có 10 thành viên; trung bình mỗi ngày, HTX thu được khoảng 150 lít sữa dê. Từ nguồn nguyên liệu đạt chất lượng này, HTX đã sản xuất ra hơn 10 sản phẩm từ sữa dê như: Sữa dê thanh trùng, sữa bột sữa dê, bánh plan sữa dê tươi, bánh plan sấy thăng hoa, yaourt sữa dê…

Đặc biệt, HTX còn có 6 sản phẩm được tỉnh công nhận OCOP. Chị Nghi chia sẻ: “Trong quá trình khởi nghiệp, HTX được UBND tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ rất nhiều trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện thị trường tiêu thụ chính của HTX là TP. Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Sản phẩm của HTX cũng đã có mặt tại hệ thống Co.opmart ở một số tỉnh miền Tây”.

Xuất thân là thợ cơ khí, trong quá trình lao động, anh Dương Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè) đã không ngừng học hỏi và có nhiều sáng chế hữu ích phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Với khát vọng lập thân, lập nghiệp, năm 2002, anh Thái quyết định mở cơ sở sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ ngành Nông nghiệp nhằm thỏa đam mê nghiên cứu, sáng tạo. Anh Thái đã mạnh dạn đầu tư thêm nhiều loại máy cơ khí bán tự động để tăng độ bền, độ chính xác cho các sản phẩm. Từ năm 2005 đến nay, anh Thái đã sáng chế, cải tiến được 6 mô hình.

Đồng thời, nhiều thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp do cơ sở sản xuất cũng được nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh, khu vực và nước ngoài. Các sản phẩm nổi bật như: “Máy đào rãnh đất thoát nước”, “Máy đào rãnh đặt ống nước sạch nông thôn mới”, “Máy đào rãnh cáp quang dưới đất”… Với những nghiên cứu, sáng tạo trên, anh Thái đạt nhiều giải thưởng tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Cơ sở sản xuất Long Tuyền Phụng (phường 9, TP. Mỹ Tho) chuyên sản xuất một số sản phẩm như: Nước cơm rượu, cơm rượu, rượu nếp ngọt… Nhằm nâng cao năng suất lao động, anh Cao Hữu Tài (chủ cơ sở) đã bắt tay vào nghiên cứu, sáng chế thiết bị vo gạo đa năng. Sau thời gian miệt mài nghiên cứu, anh Tài đã chế tạo thành công thiết bị vo gạo đa năng. Thiết bị này giúp cơ sở của anh tiết kiệm công lao động, thời gian, từ đó giảm chi phí sản xuất. Thiết bị vo gạo đa năng do anh Tài sáng chế đã đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XIV, năm 2020 - 2021.

ĐỒNG HÀNH HỖ TRỢ

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp, ĐMST đã nhận được sự đồng hành hỗ trợ rất lớn từ tỉnh đến các sở, ngành. Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thành Luân, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đồng hành và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Anh Thái khởi nghiệp thành công với việc chế tạo các máy móc phục vụ  sản xuất nông nghiệp.	                                                                              Ảnh: SỬU MINH
Anh Thái khởi nghiệp thành công với việc chế tạo các máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: SỬU MINH

Tỉnh đoàn Tiền Giang tập trung đẩy mạnh các nội dung: Tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp; hỗ trợ xây dựng và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên; tổ chức các lớp tập huấn, diễn đàn, tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp. Với 4 nội dung cốt lõi trên, Tỉnh đoàn đã có sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện qua từng năm, phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế của thanh niên trên địa bàn tỉnh về khởi nghiệp.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức thành công nhiều hội thảo, diễn đàn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, ra mắt Văn phòng Hỗ trợ, tư vẫn thanh niên khởi nghiệp tỉnh Tiền Giang. Từ nguồn vốn “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của tỉnh, đến nay đã giải ngân hỗ trợ vốn cho 42 dự án, ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên, hội viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh ở nhiều lĩnh vực với số tiền hơn 2 tỷ đồng; lãi suất cho vay 0% với thời hạn vay là 2 năm kể từ ngày hợp đồng hỗ trợ vốn được ký kết. Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn hỗ trợ thanh niên hơn 247 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang Lê Quang Khôi, trong năm 2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 153 ngày 16-5-2022 về việc hỗ trợ HST khởi nghiệp, ĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang 2022. Theo đó, Sở KH&CN đã tổ chức lớp tập huấn thiết kế và vận hành HST khởi nghiệp, ĐMST tại địa phương.

Đồng thời, tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển HST khởi nghiệp, ĐMST tỉnh Tiền Giang: Bối cảnh và định hướng”. Hội thảo là cơ sở nghiên cứu đề xuất, hoạch định các giải pháp phù hợp để xây dựng và phát triển HST khởi nghiệp, ĐMST ở tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng hỗ trợ 3 doanh nghiệp tham dự và trưng bày các sản phẩm mới, sản phẩm KH&CN trong chuỗi các sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 - Techfest Mekong năm 2022.

Theo đồng chí Lê Quang Khôi, nhìn chung, tinh thần khởi nghiệp, ĐMST của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh tương đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp, ĐMST còn hạn chế. Điều này cho thấy môi trường để cho các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST chưa được hình thành một cách rõ nét.

Chính vì vậy, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844 ngày 18-5-20216 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ HST khởi nghiệp ĐMST Quốc gia đến năm 2025”, Sở KH&CN đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu HĐND tỉnh và UBND tỉnh Tiền Giang ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành HST khởi nghiệp, ĐMST trên địa bàn tỉnh theo giai đoạn và hằng năm, nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy hình thành HST khởi nghiệp, ĐMST thông qua các hoạt động như: Tuyên truyền, đào tạo, tập huấn kỹ năng về khởi nghiệp, ĐMST; tổ chức các buổi hội thảo, sự kiện nhằm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội tham gia các hoạt động khởi nghiệp, ĐMST.

M. THÀNH

.
.
.