Xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục năm 2022
Trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản đã linh hoạt thay đổi thị trường, đa dạng sản phẩm để phù hợp với nguồn cung trong nước, đồng thời, tận dụng tốt nhiều cơ hội mang lại,…Từ đó, giúp xuất khẩu thủy sản đạt được cột mốc kỷ lục.
Xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt mức kỷ lục trong năm 2022 (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: K.V) |
Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2022 là một năm có rất nhiều kỷ lục đối với ngành thủy sản. Trong đó, gồm: kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu, dự kiến đạt 11 tỷ USD; riêng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 tỷ USD và cá ngừ chạm mốc 1 tỷ USD.
Dù vậy, năm qua cũng có rất nhiều thách thức khi lạm phát cao đã làm giảm nhu cầu, trong khi xung đột Nga - Ukraine khiến giá vận chuyển tăng cao, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của ngành thủy sản. Cùng với đó, đồng ngoại tệ ở nhiều nước yếu hơn đô la Mỹ đã hạn chế việc nhập khẩu, ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thủy sản đã linh hoạt thay đổi thị trường, đa dạng sản phẩm để phù hợp với nguồn cung trong nước. Ví dụ như tôm nguyên liệu khó khăn, các doanh nghiệp đã tập trung vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng để xuất khẩu vào những thị trường có giá cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia. Về biến động tiền tệ, các doanh nghiệp lựa chọn thị trường ít biến động hơn, qua đó biến thách thức thành cơ hội.
Theo bà Lê Hằng, trong năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã tận dụng tốt 5 cơ hội. Thứ nhất, đó là nhu cầu tại các thị trường lớn như: EU, Mỹ, Trung Quốc… phục hồi mạnh. Thứ hai nguồn cung nhiều nước gián đoạn, hồi phục chậm trong khi tại nước ta phục hồi tốt. Thứ ba là lượng tồn kho cao, đặc biệt nửa đầu năm. Thứ tư là sự trở lại sôi động của các chương trình xúc tiến thương mại sang EU, Mỹ,…; thứ năm, chúng ta có lợi thế về giá, đặc biệt cá tra có lợi thế về giá và được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Cũng theo bà Lê Hằng, đến nay, chúng ta có gần 1.000 doanh nghiệp đã có mã EU code tại thị trường EU. Đây là chứng chỉ lớn để chúng ta thâm nhập và chinh phục các thị trường khác, bởi EU là thị trường khó tính nhất. Đây cũng là thành tích để khẳng định thương hiệu thuỷ sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng, về mặt lâu dài, chúng ta sẽ còn khó khăn tại nhiều thị trường. Ví dụ, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, sẽ là thị trường khó tính và ngày càng khó hơn nữa, sẽ có những quy định và thay đổi rất bất ngờ đối với doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.
Do đó, theo bà Lê Hằng, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam sẽ phải có những thay đổi về quan điểm, tâm thế, tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc, tiếp cận một cách chi tiết hơn tới từng phân khúc của các thị trường địa phương tại thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong năm 2023, bà Lê Hằng cho rằng, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu chững lại từ quý IV/2022 và xu hướng này có thể kéo dài sang quý I/2023, thậm chí hết nửa đầu năm 2023, bởi lạm phát tăng cao đã “ngấm sâu” vào thái độ, thói quen của người tiêu dùng, và họ sẽ không đầu tư vào các ngành hàng, sản phẩm có giá trị cao như trước mà sẽ chú trọng hơn vào những sản phẩm ở mức trung bình. Do đó, lượng đơn hàng dự báo sẽ giảm sâu, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ không có đơn hàng.
“Hy vọng nửa cuối năm 2023, khi kinh tế thế giới hồi phục nhất định thì nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn phía Nhà nước sẽ có những hỗ trợ nhất định về thị trường, chính sách thuế để đủ sức duy trì cũng như đón đầu thị trường thế giới thời gian tới” - bà Lê Hằng nhấn mạnh.
(Theo dangcongsan.vn)