BÀI 2: Thuận buồm xuôi gió?
BÀI 1: Chuyển động tích cực
Thủy sản là một trong những nhóm ngành hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu khá cao, với mức tăng giá trị hơn 62%, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang năm 2022 đạt con số ấn tượng.
1. Nằm trong bức tranh chung của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khi dịch Covid-19 hoành hành trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu của Tiền Giang.
Khi Nghị quyết 128 của Chính phủ và kế hoạch khôi phục kinh tế của Tiền Giang được triển khai, các doanh nghiệp bắt đầu trở lại giai đoạn “bình thường mới” vào cuối năm 2021 với rất nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng nguồn hàng bị đứt gãy trong thời gian dài, tình trạng thiếu hụt lao động và nhiều thứ khác. Nhưng với tâm thế vượt qua khó khăn để bắt đầu chặng đường mới đã mang lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Lĩnh vực thủy sản chế biến xuất khẩu phục hồi khá tốt sau đại dịch. |
Là một trong những doanh nghiệp chịu tác động lớn do dịch bệnh, Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo phân tích, đại dịch xảy ra hơn 2 năm, cao điểm từ năm 2020 đến nay, đã tác động đến rất nhiều khâu trong chuỗi sản xuất của ngành hàng thủy sản xuất khẩu, từ khâu sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến và cả lưu thông sản phẩm.
Nhiều khâu sản xuất bị đình đốn, nên khi thế giới, cũng như trong nước cơ bản kiểm soát được đại dịch từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình chung là thị trường ấm dần lên, các chuỗi cung ứng bắt đầu hoạt động đều đặn, chuỗi vận chuyển cũng ngày thông thương nên sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn.
Từ đó, hoạt động SX-KD nói chung, trong đó có nhóm ngành thủy sản chế biến xuất khẩu cũng sôi động hơn. Trên đà như thế, các chỉ số SX-KD của công ty cũng tăng trưởng tốt, hiện đạt xấp xỉ so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tạo nên khí thế mới hơn, vui tươi hơn.
“So với trước dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng nhìn chung của ngành và của riêng công ty cũng đã đạt mức xấp xỉ, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng thủy sản xuất khẩu tăng gấp 2 lần. Riêng các chỉ tiêu mà công ty đặt ra trong năm 2022 như doanh thu, giá trị xuất khẩu, khối lượng sản phẩm làm ra cũng đã cơ bản đạt được” - ông Nguyễn Văn Đạo phân tích thêm.
Trong chặng đường sắp tới, để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, Tiền Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 07 ngày 26-7-2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch hành động 262 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 07 về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; tập trung cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp... tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời, Tiền Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; nâng cao thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngoài ra, Tiền Giang tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giảm tối đa các chi phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp... |
Tất nhiên, câu chuyện SX-KD trong trạng thái “bình thường mới” của các doanh nghiệp không phải luôn “thuận buồm xuôi gió”.
Đánh giá tổng thể cho thấy, việc phục hồi của các doanh nghiệp đi vào hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 vẫn còn nhiều yếu tố tác động như lực lượng lao động thường xuyên biến động và thiếu hụt gây khó khăn trong kế hoạch sản xuất của các doanh nghiệp; chỉ một số ít doanh nghiệp kịp thời thay đổi phương án SX-KD, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất nên cũng chưa tạo động lực mạnh mẽ chung để thúc đẩy phát triển.
Chưa kể, một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn gặp phải khó khăn như: Chi phí vận chuyển tăng cao do áp lực giá xăng, dầu có lúc tăng ở mức cao; giá xăng, dầu tăng cao kéo theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất tăng theo. Bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các biến chủng mới, diễn biến còn phức tạp… ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình SX-KD của các doanh nghiệp.
2. Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, tình hình sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong tháng 6 đầu năm 2022 thuận lợi hơn so cùng kỳ.
Thời gian này, Tiền Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Các ngành sản xuất chủ yếu chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng so cùng kỳ do đơn đặt hàng tăng, kể cả xuất khẩu. Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang thực hiện được hơn 2 tỷ USD, đạt 61% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, bước sang quý 3-2022, tình hình thế giới biến động, xung đột Nga - Ukraine, các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây và các phản ứng từ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới, kể cả Việt Nam, đặc biệt là các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Các hãng tàu lớn không vận chuyển đi và đến Nga, khiến chi phí vận chuyển tăng, thiếu tàu vận chuyển dẫn đến chi phí cao. Từ đó dẫn đến thực tế là xuất khẩu của Tiền Giang trong quý 3-2022 giảm nhẹ khoảng 10% so bình quân 2 quý đầu năm 2022.
Một số ngành hàng sụt giảm chủ yếu do thị trường các nước châu Âu hạn chế tiêu dùng, nhất là các sản phẩm không thiết yếu (thủ công mỹ nghệ, xơ sợi, máy móc thiết bị cho ngành dệt may, sản phẩm từ chất dẻo).
Còn đánh giá riêng quý 4-2022, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho rằng, theo nhận định của doanh nghiệp, đây là thời điểm xuất khẩu thấp trong năm và cộng thêm những khó khăn của các nước nhập khẩu do vậy nhiều doanh nghiệp bị giảm hoặc không có đơn hàng xuất khẩu.
Nhưng nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 đạt khá nhờ hoạt động SX-KD cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp vực dậy sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021.
“Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của Tiền Giang thực hiện đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tăng so năm 2021 hơn 25%, vượt kế hoạch 17%. Về tỷ trọng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 80% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang, chủ yếu là các mặt hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.
Hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Tiền Giang chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 11% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, với các sản phẩm chủ yếu là thủy sản, rau quả và gạo.
Kim ngạch thủy sản của Tiền Giang cả năm đạt khoảng 350 triệu USD, tăng hơn 62% so cùng kỳ; rau quả khoảng 27 triệu USD, xấp xỉ kim ngạch năm 2021; riêng gạo có giá trị xuất khẩu khoảng 47 triệu USD, chỉ bằng 40% kim ngạch năm 2021”- đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết.
Ngoài ra, theo đánh giá của Sở Công thương, hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.
Xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là thị trường các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thị trường các nước EU, Vương quốc Anh.
Đối với xuất khẩu gạo, thị trường Philippines chiếm 48%, giảm hơn 38% so với cùng kỳ; về xuất khẩu hàng rau quả chủ yếu vẫn là các thị trường truyền thống và tiềm năng lớn như: Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Australia...
THÁI AN
(còn tiếp)