Thứ Bảy, 07/01/2023, 10:20 (GMT+7)
.

Nông sản miền Tây hút hàng

Những ngày qua, các thương lái tại ĐBSCL đẩy mạnh thu mua nông sản để có nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, khiến giá nhiều mặt hàng tăng mạnh.

Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, hiện tại giá tôm (thẻ chân trắng) hấp hoặc đông lạnh xuất khẩu dao động khoảng 130.000-133.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều hộ nuôi tôm ở vùng U Minh Thượng (gồm các huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng) cho biết, các nhà máy chế biến đã tăng mua khá mạnh, để có hàng xuất sang Trung Quốc.

a
Trái xoài miền Tây có nhiều cơ hội xuất sang Trung Quốc

Ông Lê Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến xuất khẩu thủy sản H.N. ở Kiên Giang, cho biết, hiện đã cận tết âm lịch, nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản ở thị trường Trung Quốc tăng khá mạnh, bình quân tháng 1-2023 tăng khoảng 13% so với tháng trước. Giá xuất khẩu tăng, giảm quanh mức 3-7 USD/tấn, tùy theo giá nhiên liệu. Tại An Giang, giá thu mua cá tra nguyên liệu đã vượt mốc 33.000 đồng/kg, đây là mức kỷ lục kể từ thời điểm dịch bùng phát tới nay.

Trong khi đó tại Cà Mau, cua là đặc sản được nhiều người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Ông Huỳnh Hùng Anh, Trưởng Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể huyện Năm Căn (trong đó có nhãn hiệu tập thể Cua Năm Căn - Cà Mau) cho biết, khoảng 1 tuần nay, các thương lái bắt đầu đẩy mạnh hoạt động thu cua trở lại để cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Vì thế, giá cua cũng đã tăng đáng kể (khoảng 30.000 đồng/kg).

Tại Kiên Giang, mặt hàng trầu cau xuất khẩu khá mạnh sang Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Ngoài ra, các mặt hàng khác như rau màu, chuối, quýt… (trồng quanh vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng khoảng 1.200ha) cũng tăng giá do thương lái tăng thu mua xuất sang Trung Quốc. Tại tỉnh Tiền Giang, sầu riêng khi xuất sang Trung Quốc hút hàng, giá từ 40.000-50.000 đồng/kg tăng lên đến 80.000 đồng/kg; thậm chí giống MonThong có thời điểm lên đến 92.000 đồng/kg.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nhận định, điều quan trọng hiện nay là người trồng cây ăn trái miền Tây cần hình thành và duy trì tốt sản lượng trái cây gắn với mã vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn khẳng định, thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với nông sản, đặc biệt là sầu riêng, trái cây tươi của tỉnh Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Thời gian qua, việc xuất khẩu được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó xuất khẩu tiểu ngạch chiếm đa số. Tuy nhiên theo xu hướng hiện nay, từng bước sẽ chuyển sang xuất khẩu chính ngạch.

Sở Công thương tỉnh Long An đang khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc theo hợp đồng thương mại, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia... Đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các điều kiện, quy định của Trung Quốc về xuất, nhập khẩu hàng hóa nhằm tránh thiệt hại khi xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.