.

Quyết tâm "về đích" trong năm 2023

Cập nhật: 15:15, 27/01/2023 (GMT+7)

Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023 tại thành phố Davos (Thụy Sĩ, diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-1) một lần nữa tái khẳng định, năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, mặc dù nguy nhiều hơn cơ, nhưng vẫn là năm “trong nguy có cơ”. Với Việt Nam, các kịch bản tăng trưởng cũng phù hợp với nhận định khái quát đó.

a
Chế biến hàng thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: MINH HIỂN

2 kịch bản tăng trưởng

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhìn nhận, Việt Nam đang đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, điển hình là thiếu sự liên kết giữa thị trường nội địa và xuất khẩu. Minh chứng rõ nhất là nhu cầu trong nước tăng lên, nhưng chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) vẫn giảm. Sự mất cân đối trong cơ cấu nền kinh tế khi khu vực xuất khẩu phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là lý do khiến tổng cầu xuất khẩu giảm, PMI đi xuống.

Trong rất nhiều dự báo được đưa ra cho năm 2023, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng có thể đạt tới 6,83%, với điều kiện tiếp tục cải cách nhanh, đạt mục tiêu tăng năng suất.

Nhưng, kịch bản khả thi, theo CIEM, là 6,47%, xấp xỉ mức Quốc hội đã quyết định, do bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 không thực sự khả quan. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nói ngắn gọn: “Phải rất, rất cố gắng mới có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%”.

Củng cố cho nhận định này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra cảnh báo, 1/3 số lượng nền kinh tế trên thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm nay. Một khảo sát của Ernst & Young - 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới - tiến hành cuối năm 2022, cũng cho thấy, 98% giám đốc điều hành (CEO) được hỏi đã cho rằng kinh tế năm 2023 sẽ suy giảm. Đáng nói hơn, 55% CEO đã chuẩn bị tinh thần đón “một đợt suy thoái kéo dài và nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007-2008”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu tiến độ Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thúc đẩy, đồng thời với việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế vẫn có thể sẽ tăng trưởng khả quan, nếu có khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý những rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD... Việc thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, dù cũng có những tác động trái chiều khác, nhưng vẫn được coi là một trong những yếu tố thuận lợi đáng kể.

Quyết liệt cải cách, đổi mới

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ ngày 6-1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Năm nay, một thay đổi rất đáng lưu ý là bản nghị quyết đầu tiên đã bao hàm đầy đủ những nội dung về cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thay vì ban hành riêng Nghị quyết số 02/NQ-CP như những năm trước. Điều này thể hiện quyết tâm nỗ lực cải cách xuyên suốt toàn bộ quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng cải cách “cắt khúc”, hình thức.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới để cải thiện chất lượng tăng trưởng. Khung chính sách cho đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện hơn nữa ở cấp bộ, ngành, địa phương; đặc biệt gắn với việc mạnh dạn thí điểm các ý tưởng, mô hình kinh doanh mới trên nền tảng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

Theo ông Dũng, hiện nay, cơ bản đã đầy đủ các đạo luật căn bản để vận hành thể chế kinh tế thị trường như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Quản lý nợ công; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng… Điều còn thiếu là các văn bản hướng dẫn cụ thể, bao gồm cả những hướng dẫn về hành xử của cán bộ công chức và chế tài cho những hành vi trái pháp luật như cố tình sách nhiễu, vòi vĩnh, quan liêu, cửa quyền…

Với một nền kinh tế hướng tới xuất khẩu như Việt Nam, TS Võ Trí Thành lưu ý, cần tăng cường mức độ sẵn sàng về pháp lý cho thương mại xuyên biên giới; đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của các FTA; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử; chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải…

Khái quát hơn, như Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã nêu tại diễn đàn thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam 2023 mới đây với chủ đề: “Tối ưu nguồn lực, vượt qua thách thức”, là phương châm 3K.

Thứ nhất là kiên định ổn định chiến lược, duy trì, củng cố nội lực của nền kinh tế. Với doanh nghiệp, kiên định được hiểu là duy trì được các yếu tố nền tảng, các bạn hàng lớn, thị trường chiến lược, đồng thời đa phương hóa, đa dạng hóa, tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ các thị trường ngách.

Thứ hai, kiên quyết giữ vững tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trên cơ sở làm chủ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số.

Thứ ba, kiên trì phát triển bền vững. Các chính sách, kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, thích ứng với tình hình dự báo nhiều bất ổn của năm 2023, song cần bảo đảm cân bằng, phù hợp giữa các lộ trình trong ngắn hạn và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm để tối ưu hóa nguồn lực.

Cùng quan điểm về sự kiên định, kiên trì vượt khó, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), người có đến 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam, nhận định: “Trên thực tế, cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên của EuroCham coi Việt Nam là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ. Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới”.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.