BÀI 1: Làng nghề vào vụ tết
Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang tất bật sản xuất để phục vụ thị trường. Dù tình hình tiêu thụ có phần kém sôi động hơn những năm trước, nhưng các cơ sở vẫn đang chạy “nước rút” trong mùa vụ tết.
Đến hẹn lại lên, thời điểm cận Tết Nguyên đán, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lại bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm.
NHỘN NHỊP PHÍA ĐÔNG
Những ngày này, có dịp về Làng nghề Lạp xưởng Bình Đông (xã Bình Đông, TX. Gò Công) chúng tôi mới thấy không khí tết đang hiện diện rõ tại nơi đây. Dọc 2 bên Quốc lộ 50, những chiếc lạp xưởng căng tròn, đỏ au trở thành điểm nhấn thu hút người đi đường. Làng nghề đang vào vụ sản xuất tết nên không khí nhộn nhịp hơn hẳn so với ngày thường.
Năm nay, cá khô tại Làng nghề Cá khô Vàm Láng hút hàng. |
Cũng như mọi năm, Rằm tháng Chạp là thời điểm các hộ sản xuất lạp xưởng ở Làng nghề Lạp xưởng Bình Đông lại đẩy mạnh sản xuất phục vụ tết. Năm nay, giá thịt heo (nguyên liệu chính để sản xuất lạp xưởng) nằm ở mức trung bình là điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất lạp xưởng. Người dân không còn lo ngại giá thịt quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Những ngày qua, Cơ sở sản xuất lạp xưởng Kim Anh (xã Bình Đông) khá tất bật với việc sản xuất mùa tết. Theo chị Ung Thị Mỹ Hạnh, chủ Cơ sở sản xuất lạp xưởng Kim Anh, hiện mỗi ngày, cơ sở sản xuất hơn 100 kg thịt để làm lạp xưởng, tăng so với ngày thường. Tuy nhiên, năm nay, nhìn chung, tình hình tiêu thụ lạp xưởng chậm so với mọi năm, sức mua vẫn chưa tăng nhiều. “Thông lệ hằng năm, nhu cầu tiêu thụ lạp xưởng sẽ tăng cao từ ngày 20 tháng Chạp cho đến Tết Nguyên đán. Do đó, cơ sở đã sẵn sàng để tăng lượng sản xuất. Tôi kỳ vọng sức mua sẽ tăng mạnh trong những ngày cuối năm” - chị Hạnh chia sẻ.
Còn tại Làng nghề Cá khô Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), tết đến cũng là lúc nơi đây bước vào mùa sản xuất sôi động nhất. Các phương tiện đánh bắt ngoài khơi xa vào bờ nghỉ tết mang theo một lượng lớn nguyên liệu để phục vụ sản xuất cá khô.
Anh Hồ Thiên Thắng, chủ Vựa cá khô Thắng Loan (thị trấn Vàm Láng) cho biết, vụ tết năm nay, sản lượng khô được cơ sở đưa ra thị trường tăng khoảng 40% so với năm trước. Năm nay, giá các loại khô không tăng. Cụ thể, giá khô lưỡi trâu 75.000 đồng/kg, khô cá mối từ 65.000 - 90.000 đồng/kg, khô cá bống đục 65.000 - 80.000 đồng/kg, khô cá đù 100.000 - 140.000 đồng/kg. Riêng giá khô mực năm nay cao hơn so với năm trước. “Năm nay, thị trường tiêu thụ cá khô rất mạnh nên đến thời điểm này, cơ sở không đủ khô để cung ứng cho các mối” - anh Thắng cho biết.
HỦ TIẾU MỸ THO: TĂNG TỐC
Từ lâu, hủ tiếu Mỹ Tho đã trở thành món ăn nổi tiếng khi nhắc đến TP. Mỹ Tho nói riêng và Tiền Giang nói chung. Nghề làm hủ tiếu đã trở thành nghề truyền thống và hình thành làng nghề tại TP. Mỹ Tho. Càng gần Tết Nguyên đán, không khí sản xuất tại Làng nghề Bánh, bún, hủ tiếu Mỹ Tho (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) đang “nóng” lên từng ngày.
Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở sản xuất hủ tiếu của gia đình, ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Sản xuất hủ tiếu Mỹ Tho cho biết, hiện THT có 8 hộ sản xuất hủ tiếu. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở sản xuất ra thị trường khoảng 6 - 7 tấn hủ tiếu. Hiện tại, đều đặn mỗi ngày, cơ sở sản xuất hủ tiếu khoảng 500 - 600 kg gạo. Để chuẩn bị sản xuất mùa tết, cơ sở đã chuẩn bị nguyên liệu sẵn sàng. Gạo dùng sản xuất hủ tiếu được cơ sở lựa chọn kỹ để sản xuất ra những sợi hủ tiếu ngon, chất lượng.
“Bây giờ, số lượng hủ tiếu sản xuất ở THT tăng nhiều so với trước do có máy móc hỗ trợ. Năm nay, giá bán hủ tiếu vẫn bình ổn, trung bình khoảng 17.000 đồng/kg. Từ khoảng ngày 20 tháng Chạp trở lên sức tiêu thụ hủ tiếu mới tăng mạnh (tăng khoảng 50% so với ngày thường). Do đó, thời điểm đó, tôi và các cơ sở sẽ đẩy mạnh sản xuất” - ông Thuận cho biết.
Sản xuất hủ tiếu mùa tết tại Làng nghề Bánh, bún, hủ tiếu Mỹ Tho. |
Cũng tại Làng nghề Bánh, bún, hủ tiếu Mỹ Tho, thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh tét ở ấp Hội Gia cũng bắt đầu chộn rộn với mùa vụ tết. Chị Dương Thị Liên (ấp Hội Gia) cho biết, cơ sở đã chuẩn bị khoảng 1,5 tấn nếp, đậu xanh, đường, lá chuối để làm bánh tét. Đặc biệt, nguồn cung lá chuối năm nào cũng gặp khó khăn nên cơ sở đã tranh thủ đặt mua trước. Hiện cơ sở sản xuất bánh tét với nhiều loại nhân như: Chuối, chay, ngọt, mỡ, thịt trứng... Năm nay, chi phí không tăng nên dự kiến giá bán bánh cũng sẽ ổn định so với mọi năm. Đến thời điểm này, sức tiêu thụ đã tăng hơn so với ngày thường. Từ khoảng ngày 27, 28 tháng Chạp, nhu cầu đặt bánh mới tăng mạnh.
TẤT BẬT PHÍA TÂY
Còn tại huyện Cái Bè, những ngày này, các Làng nghề như: Bánh tráng Hậu Thành, Bánh phồng Cái Bè không khí sản xuất cũng rất nhộn nhịp. Gần một tháng qua, Lò bánh tráng phồng sữa Quơn Long của chị Huỳnh Lệ Chi (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) ngày nào cũng hoạt động tất bật. Chị Chi cho biết, mỗi ngày, cơ sở chị sản xuất khoảng 300 kg khoai mì, tương ứng 4.000 cái bánh. Trước đây, các công đoạn làm bánh phồng sữa của cơ sở đều làm bằng thủ công. Gần đây, cơ sở đầu tư công nghệ, trang thiết bị vào các công đoạn như: Nấu, hấp, xoay, ngào bột, cán bánh…; còn các công đoạn như chấm bột, phơi bánh, gỡ bánh mới làm thủ công. Do đó, nhân công của cơ sở giảm, chỉ còn khoảng 10 người.
Chị Chi chia sẻ: “Bánh phồng sữa ngon là phải ăn liền, không được để lâu. Do khi để lâu, bánh sẽ bị cứng, không còn giữ được độ mềm và dẽo thơm của bánh. Vì vậy, cơ sở không làm số lượng nhiều, chỉ làm lượng vừa phải. Khi nào bánh xuất bán hết, thì cơ sở mới sản xuất tiếp. Thị trường tiêu thụ bánh phồng Tết Nguyên đán năm nay có phần khó khăn hơn những năm trước. Những năm trước, mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 8.000 bánh, phải cho nhân công tăng ca đều đặn mỗi ngày mới sản xuất đủ bánh cung ứng cho thị trường. Còn năm nay, cơ sở chỉ làm số lượng bánh vừa phải, không tăng ca như những năm trước”.
A.PHƯƠNG - A.THƯ - L.OANH