Thứ Hai, 23/01/2023, 14:10 (GMT+7)
.

Thúc đẩy kinh tế tập thể ở Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có trên 2,4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, với khả năng cung cấp trên 90% sản lượng gạo, 70% lượng thủy sản và hơn 36% sản lượng trái cây xuất khẩu, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp của cả nước, góp phần đảm nhiệm tốt vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Sản phẩm bưởi da xanh được sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long được thị trường Mỹ và EU ưa chuộng. (Ảnh: K.V)
Sản phẩm bưởi da xanh được sản xuất tại Đồng bằng sông Cửu Long được thị trường Mỹ và EU ưa chuộng. (Ảnh: K.V)
 
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở khu vực này đang đối mặt với biến đổi khí hậu nghiêm trọng, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhiều hợp tác xã nông nghiệp trong vùng. Ðể các hợp tác xã nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua thách thức, phát triển bền vững, thời gian qua, các bộ ngành và các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đổi sản xuất, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh mới.

Đa dạng mô hình hợp tác xã, nâng cao chất lượng hợp tác xã

Hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 2.500 hợp tác xã nông nghiệp và có nhiều hợp tác xã nông nghiệp linh động chuyển đổi cây trồng vật nuôi; chuyển đổi lịch thời vụ, kết hợp sử dụng các giống mới vào sản xuất; ứng dụng công nghệ cao vào quy trình canh tác nông nghiệp. Các hợp tác xã đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, thích ứng với biến đổi khí hậu như làm công trình, làm đê bao, bờ kè, cống ngăn mặn… Qua đó khu vực này đã hình thành đa dạng mô hình hợp tác xã kiểu mới, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại, thông minh, gắn sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Theo Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ, qua 10 năm thực thi Luật Hợp tác xã năm 2012, TP Cần Thơ đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, góp phần củng cố và nâng chất hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã.

Hiện toàn thành phố có trên 300 hợp tác xã và trên 1.300 tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề lĩnh vực, với hơn 60.000 thành viên, đạt doanh thu trên 2.400 tỷ đồng/năm. Trong đó, có hơn 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả và thực hiện tốt Luật Hợp tác xã năm 2012, đem lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, tạo nên bước chuyển tích cực, tăng quy mô cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, ở lĩnh vực nông nghiệp, có nhiều hợp tác xã kiểu mới hoạt động với quy mô lớn, thu hút từ 50-100 thành viên, có vốn điều lệ từ 1-7 tỷ đồng, với diện tích sản xuất từ 300-1.000ha, từ đó phát triển liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại tỉnh Bến Tre, hiện Tỉnh này cũng có trên 1000 tổ hợp tác và 177 hợp tác xã hoạt động trên nhiều lĩnh vực phong phú và đa dạng như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện; nông nghiệp - thủy sản; quỹ tín dụng nhân dân; thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp; giao thông - vận tải; tài nguyên - môi trường với tổng số vốn điều lệ gần 289 tỷ đồng. Có tổng số thành viên tham gia là trên 45000 người, trong đó có gần 3000 lao động thường xuyên.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre đã thường xuyên theo dõi nắm tình hình, tiếp nhận thông tin, đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc, kiến nghị của các hợp tác xã; tích cực phối hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hợp tác xã, thành viên. Tăng cường tuyên truyền, tư vấn, thành lập mới các hợp tác xã, đi đôi với hướng dẫn, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng bộ máy nhân sự để công tác quản trị, điều hành của hợp tác xã được ổn định và hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phát triển.

Theo ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, để các hợp tác xã, tổ hợp tác ngày một phát triển đa dạng, đa lĩnh vực, phải có sự tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; chủ động, tích cực vận động người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ, động viên, khuyến khích các hợp tác xã phát triển đúng hướng, bền vững, sớm hình thành các Liên hiệp Hợp tác xã cùng ngành, nghề hoạt động có hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhằm tiếp tục hỗ trợ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương.

Từ đó, đưa kinh tế tập thể mà nòng cốt là mạng lưới hợp tác xã cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc; tạo động lực cho sự phát triển bền vững địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang dự kiến, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Tiền Giang phấn đấu bình quân mỗi năm thành lập mới thêm 5 hợp tác xã để đến năm 2025 có khoảng gần 200 hợp tác xã nông nghiệp. Đến năm 2030 nâng lên khoảng 220 hợp tác xã nông nghiệp. Số thành viên và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp tăng bình quân 5%/năm; doanh thu và lãi bình quân của mỗi HTX tăng 5%/năm...

Dự kiến đến năm 2030, Tiền Giang xây dựng được ít nhất 50 mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực địa phương, như: Rau an toàn, gạo chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, sản phẩm chăn nuôi…

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã ở Long An cũng đã tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất, thương mại, dịch vụ Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) được chọn xây dựng điển hình về cây rau đang phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thương hiệu rau an toàn của địa phương. Hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ với các siêu thị, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học trong và ngoài tỉnh với số lượng rau cung ứng khoảng 7 tấn/ngày. Ngoài ra còn có chính sách thu mua nông sản của thành viên với giá cao hơn thương lái để bảo đảm đầu ra ổn định cho người nông dân.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện nay Nhà nước đã có những ưu đãi, cùng với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương với sự phát triển của các hợp tác xã. Vì vậy, hợp tác xã không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên; doanh thu, lợi nhuận của các hợp tác xã tăng, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần ổn định đời sống của người dân.

Giải pháp cho mô hình kinh tế tập thể phát huy hiệu quả

Nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hiệu quả. (Ảnh: K.V)
Nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hiệu quả. (Ảnh: K.V)

Có thể thấy, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, thời gian qua,  nhiều hợp tác xã ở Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều, đặc biệt là các hợp tác xã nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng. Các hợp tác xã đã thực hiện liên kết chuỗi, liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Nhiều hợp tác xã còn chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu…

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Vũ Quang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đa phần các hợp tác xã vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp phải nhiều khó khăn trong thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với đó là nhận thức và trình độ hiểu biết của nông dân ở các hợp tác xã về biến đổi khí hậu còn chưa cao.

Nhiều hợp tác xã còn thiếu vốn đầu tư khoa học công nghệ mới cũng như hạn chế về quy mô diện tích và số lượng thành viên, chưa lồng ghép được các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng, thực hiện phương án sản xuất kinh doanh tại hợp tác xã…

Công tác tuyên truyền vận động thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên ở các ngành, các cấp, chưa mở rộng đều ở các xã, các thành phần kinh tế, chưa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động. Khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển về chất lượng nhưng hiệu quả còn thấp, số lượng hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả chưa nhiều, khả năng đóng góp cho ngân sách nhà nước hạn chế. Phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất hàng hóa không đồng đều, chưa năng động, chậm khắc phục khó khăn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.... Năng lực hoạt động của các hợp tác xã không đồng đều, trình độ lao động còn thấp; phát triển thiếu tính bền vững, không ổn định…

Theo đó, nhằm hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, các bộ, ngành hữu quan và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các hợp tác xã; hỗ trợ các địa phương khu vực nói trên xây dựng các mô hình hợp tác xã nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý hợp tác xã, áp dụng các biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng tài liệu, hướng dẫn hợp tác xã tổ chức sản xuất để đạt chứng chỉ carbon, tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính… Từ đó, tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Lê Ðức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trước tác động biến đổi khí hậu, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng nhiều biện pháp phi công trình để thích ứng, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó, để thúc đẩy phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với 13 tỉnh, thành phố trong Vùng đã và đang triển khai thực hiện "Ðề án nâng cao năng lực hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2021-2025".

Ðề án sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh, chế biến, bảo quản lúa, gạo, trái cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, hải sản và diêm nghiệp. Theo đó, mỗi địa phương sẽ xây dựng từ 3-5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ðặc biệt là khuyến khích sử dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để sản xuất sản phẩm mới có giá trị gia tăng... Và đây chính là cơ hội, thúc đẩy các hợp tác xã nông nghiệp ở vùng Ðồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu trong bối cảnh mới.

Từ quá trình thực hiện phát triển kinh tế tập thể tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể phải có sự quan tâm chỉ đạo và lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp với sự phối hợp của các ngành, các đoàn thể quần chúng. Thực tiễn cho thấy nơi nào được các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể thì nơi đó có phong trào kinh tế hợp tác phát triển. Các tổ hợp tác, hợp tác xã phải chủ động, nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng chính nội lực của mình, không trông chờ, ỷ lại, phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi, chăm lo lợi ích của thành viên, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa thành viên.

Cùng với đó, cần có định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp, xác định sản phẩm kinh doanh và thị trường tiêu thụ rõ ràng, tổ chức hoạt động dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh gắn liền với lợi ích của các thành viên, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có nghiệp vụ cho kinh tế tập thể là nhân tố có ý nghĩa quyết định; cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác phải có kiến thức quản lý, có chuyên môn, có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình gắn bó với công việc chung.

(Theo dangcongsan.vn)

 

.
.
.