ĐBSCL: Cam sành rớt giá, nhiều nông dân lại chờ "giải cứu"
Giá cam sành rớt thê thảm, nhiều nơi nông dân bán với giá 3.000 đồng/kg nhưng thương lái không chịu mua. Tại Vĩnh Long, hàng ngàn tấn cam bị tồn đọng. Nhiều nông dân xót của, phải đóng thùng chở đi bán lẻ.
Nhà vườn tại các tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang hiện đang rơi vào cảnh khó khăn khi cam sành rớt giá, tồn đọng hàng ngàn tấn. Huyện Trà Ôn là địa phương trồng cam sành lớn nhất tỉnh Vĩnh Long với diện tích hơn 9.000 ha. Ước tính mỗi ha cam ở đất Trà Ôn cho năng suất khoảng 50 tấn. Trung tuần tháng 2-2023, là thời điểm cam sành vào vụ thu hoạch, giá bán sụt giảm thê thảm, nhưng lại không có người mua, nông dân lỗ nặng. Mỗi ngày, nhà vườn ở các xã Hựu Thành, Thới Hòa…, tồn đọng hàng chục tấn cam khiến nông dân lo lắng vì lỗ nặng.
Ông Huỳnh Thanh Tiến, Chủ tịch UBND xã Hựu Thành cho biết, địa phương có diện tích trồng cam khá nhiều của huyện, trên 1.200 ha, trong đó có khoảng 700 ha đang cho trái chính vụ với lượng cam tồn động hơn 10.000 tấn. Giá cam sành đang ở mức rất thấp, khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, nên nông dân tự đóng thùng rồi chở đi bán lẻ để được giá cao hơn.
Nói về nguyên nhân giá cam tụt dốc thê thảm, ông Huỳnh Thanh Tiến cho biết, trước đó, giá cam ở mức khá cao, trên 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023, giá cam dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, với giá bán này, nông dân không có lãi. Từ việc chênh lệch về giá so với những năm trước nên nhiều nông dân đã neo lại chờ qua tết với hy vọng cam sẽ tăng giá. Chính vì thế, dẫn đến lượng cam tồn đọng rất lớn và tụt giá chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.
“Trước tình trạng giá cam sụt giảm, địa phương đang thống kê báo cáo về huyện và tìm giải pháp hỗ trợ nông dân, song việc tìm đầu ra hết sức khó khăn. Thời điểm hiện tại, đa phần thương lái chọn tìm cam tốt để thu mua. Số cam không đạt còn lại, nông dân tự tìm nguồn bán lẻ”, ông Tiến thông tin thêm.
Ông Nguyễn Văn Trạng, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết, trước đây, toàn huyện có 14.000 ha đất trồng lúa. Nhưng nay chỉ còn khoảng 3.000 ha, còn cam sành chiếm hơn 9.000 ha (trong đó có diện tích mới trồng và diện tích đang cho trái). Đây là địa phương trồng cam lớn nhất tỉnh Vĩnh Long.
“Cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa, với những thị trường lớn như: TPHCM và Hà Nội. Cam sành được giá và hút hàng vào thời điểm nắng nóng. Còn hiện nay, do thời tiết rét nên nguồn tiêu thụ xuống thấp, trong khi đó lượng cung thì quá lớn dẫn đến tình trạng mất cân bằng và rớt giá. Mặt khác, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, cam sành được giá cả năm là do nhiều người mua loại trái cây này về sử dụng, nhưng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, số lượng người dân mua cam sành giảm đáng kể… Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc giá cam sành sụt giảm. Việc giá cam sành sụt giảm như hiện tại chỉ mang tính cục bộ…”, ông Trạng nhận định.
Còn tại Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang giá cam sành cũng rơi vào cảnh tương tự. Giá cam sành chỉ còn 3.000 đồng/kg nhưng không có thương lái mua. Nhiều nhà vườn đã và đang chuẩn bị đốn bỏ cam sành.
Theo thống kê, hiện diện tích cam sành ở huyện Phụng HIệp chỉ còn 2.888ha, giảm gần 600ha so với cùng kỳ năm trước. Nông dân bỏ cam sành chuyển sang trồng các loại cây khác: chuối, tràm, các loại hoa màu ngắn ngày. Ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp cho biết, diện tích cam sành nhiều khả năng sẽ được tiếp tục thu hẹp trong thời gian tới, bởi tình hình dịch bệnh vàng lá gân xanh, thối rễ còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, giá cam sành những năm gần đây không ổn định, khiến cho nhiều nhà vườn không còn mặn mà với loại cây trồng này.
Còn hiện tại, các địa phương đưa ra giải pháp “đối phó cục bộ”. Ông Nguyễn Văn Trạng, Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện phối hợp các đơn vị liên quan, liên kết các công ty ở TPHCM để “giải cứu cam” giúp bà con nông dân. Tuy nhiên, việc “giải cứu cam” đã gặp phải những khó khăn, do cam sành không thể để lâu sử dụng. Nhất là thời điểm như hiện tại, cam chín thì thời gian bảo quản chỉ còn khoảng 1 tuần, thậm chí chỉ vài ngày là trái cây bị úng nên việc tiêu thụ rất khó.
Hiện, Phòng NN-PTNT cùng các đơn vị liên quan đến các xã trên địa bàn khảo sát, nắm tình hình; tìm hướng hỗ trợ, giúp nông dân trồng cam sành trên địa bàn vượt qua khó khăn.
Theo sggp.org.vn