.

Huyện Cai Lậy: Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống người dân

Cập nhật: 18:16, 04/02/2023 (GMT+7)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, chuyển đổi kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập người dân.  

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy tập trung rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh. Ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1, huyện tăng dần diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu sản xuất, thu hoạch.

Nông dân các xã phía Nam Quốc lộ 1 phát triển diện tích vườn chuyên canh sầu riêng.
Nông dân các xã phía Nam Quốc lộ 1 phát triển diện tích vườn chuyên canh sầu riêng.

Còn các xã phía Nam Quốc lộ 1 mở rộng hơn 15.600 ha vườn cây ăn trái, trong đó có trên 10.000 ha vườn chuyên canh sầu riêng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các ngành, đoàn thể tăng cường công tác trợ vốn, khuyến khích nông dân chủ động xử lý mùa vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các mô hình liên kết sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương…

Với 0,9 ha sầu riêng tham gia mô hình VietGAP, ông Hồ Văn Lập (ấp 4, xã Cẩm Sơn) cho biết: “Đến nay, tôi đã có hơn 10 năm gắn bó với cây sầu riêng. Phù hợp với thổ nhưỡng nên cây sầu riêng ở vùng đất Cẩm Sơn cho năng suất ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Từ khi tham gia Tổ hợp tác sầu riêng theo chứng nhận VietGAP, tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân hợp lý nên chi phí sản xuất giảm, hướng đến thị trường tiêu thụ ổn định hơn”.

Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là khâu then chốt, huyện Cai Lậy thực hiện hiệu quả các chính sách đào tạo nghề, từng bước nâng cao trình độ, tay nghề cho lao động nông thôn. Hằng năm, UBND 16 xã, thị trấn của huyện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, đặc biệt là nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Từ đó, đề xuất mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, đảm bảo hiệu quả sau đào tạo. Hơn 10 năm qua, huyện Cai Lậy giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động. Đồng thời, phối hợp mở 101 lớp dạy nghề may công nghiệp, nấu ăn, cắm hoa, kỹ thuật trồng cây ăn trái, kỹ thuật trồng lúa… cho gần 2.700 học viên. Các lớp dạy nghề trang bị kỹ năng, kiến thức để học viên ứng dụng vào thực tế, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Hơn 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy đã có những bước đi vững chắc. Trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; huy động nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm...

Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của huyện đạt hơn 62 triệu đồng/người/năm (tăng 38,45 triệu đồng/người/năm so với năm 2011). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,84%, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,55%.

Xây dựng NTM với mục tiêu hướng đến là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn. Trong giai đoạn tiếp theo, huyện Cai Lậy sẽ tập trung phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất chất lượng cao để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Địa phương sẽ phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm, khuyến khích người lao động đăng ký học nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương...

TRƯỜNG GIANG

.
.
.