Thứ Tư, 08/02/2023, 13:31 (GMT+7)
.

Kinh tế Tiền Giang: Nhiều triển vọng trong năm 2023

Sau hơn 2 năm khó khăn do dịch bệnh Covid-19, kinh tế Tiền Giang tạo nên nhiều dấu ấn trong năm 2022 về tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu…

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG CAO

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp nên hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã ghi nhận đà tăng trưởng cao so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm 2022 đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 115,6% so với kế hoạch năm 2022.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 80% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ (gồm các nhóm ngành may mặc, kim loại thường, giày). Đối với nhóm hàng nông - thủy sản, mặt hàng thủy sản chiếm tỷ trọng cao và có mức tăng khá ấn tượng so với năm 2021, xấp xỉ kim ngạch xuất khẩu của năm 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19).

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh cũng tăng 13,7% so với cùng kỳ; chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung ở ngành hàng sản xuất đồ uống, da và các sản phẩm có liên quan, sản phẩm từ cao su plastic, sản xuất kim loại… Hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh phát triển nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước cả năm 2022 đạt 75.603 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cùng kỳ, đạt 106,5% kế hoạch năm.

Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu sản phẩm may mặc tăng so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu sản phẩm may mặc tăng so với cùng kỳ.

KỲ VỌNG KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG CAO

Sở Công thương tỉnh Tiền Giang nhận định năm 2023, kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng; các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết có hiệu lực và dần đi sâu vào các cam kết về miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu tạo ra môi trường cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường trong nước; đồng thời, cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiệp định mới nhất vừa đi vào thực thi được đánh giá là hiệp định có quy mô lớn nhất, là thị trường đầu ra của gần 40% xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2022, tăng trưởng GRDP của Tiền Giang đạt 7,02%, vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người đạt 63,2 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng/người/năm so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 41.844 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện trong năm 2022 là 10.887 tỷ đồng, đạt 123,3% dự toán.

Năm 2023, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch của tỉnh với các chỉ tiêu và nhiệm vụ, như: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với ước thực hiện năm 2022; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội dự kiến 82.000 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022…

Với mục tiêu trên, trong năm 2023 ngành Công thương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động. Ngành sẽ tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đánh giá các tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này, đặc biệt là về nguồn lao động nhằm có giải pháp hỗ trợ cụ thể doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đề án Phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn trước ảnh hưởng của tình hình dịch.

 Năm 2022, ngành hàng may mặc có giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2021. Ảnh: Hoạt động của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Hương.                                                                           Ảnh: VĂN THẢO
Năm 2022, ngành hàng may mặc có giá trị xuất khẩu tăng so với năm 2021. Ảnh: Hoạt động của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tân Hương. Ảnh: VĂN THẢO

Cùng với đó là tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình khuyến công. Song song đó là đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; sẵn sàng hạ tầng cả trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp để mời gọi đầu tư; vận dụng cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực về vốn.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, kết nối vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm…; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút đầu tư, lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước và đầu tư mở rộng diện tích khi có nhu cầu…

LÝ OANH
 

.
.
.