Lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây đối thoại với hợp tác xã nông nghiệp
(ABO) Ngày 2-2, UBND huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây, hiện nay, trên địa bàn huyện Gò Công Tây có 16 HTX nông nghiệp với 4.446 thành viên, đảm bảo hoạt động có hiệu quả. Thực hiện dự án liên kết theo Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 12-7-2019 của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, từ khi triển khai dự án đến nay, huyện Gò Công Tây có 7/16 HTX tham gia thực hiện dự án liên kết gồm các HTX tại các xã như: Yên Luông, Long Vĩnh, Bình Nhì, Đồng Thạnh, Thành Công, Bình Tân và Thạnh Trị với tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phát biểu tại hội nghị. |
Trong năm 2023, huyện cấp vốn thực hiện 5 dự án gồm: Kế hoạch liên kết sản xuất lúa tại xã Đồng Thạnh do HTX Lợi An làm chủ đầu tư, kế hoạch liên kết sản xuất lúa xã Bình Nhì tại HTX Bình Nhì, kế hoạch liên kết sản xuất lúa tại xã Thành Công của HTX Bình Nhựt, Dự án Liên kết sản xuất rau Thạnh Trị của HTX Rau Thạnh Hưng, Dự án Liên kết sản xuất rau tại xã Bình Tân do HTX Hòa Thạnh làm chủ đầu tư.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp của huyện đã trình bày các khó khăn trong quá trình hoạt động, như: Thiếu vốn đầu tư máy móc thiết bị, nhà xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm, thị trường đầu ra còn hạn hẹp… Từ đó, các HTX kiến nghị lãnh đạo huyện, tỉnh có hướng giải quyết trong thời gian tới để các HTX nông nghiệp hoạt động tốt hơn.
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND huyện Gò Công Tây cho biết trong thời gian tới, các HTX cùng với lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm nghiên cứu định hướng làm thế nào để hoạt động các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng chuyển biến mạnh mẽ hơn, duy trì, mở rộng các hoạt động kinh doanh, liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản, đảm bảo đầu ra thông suốt, ổn định, tạo điều kiện tăng cường tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho thành viên HTX tích cực tham gia cùng hưởng lợi từ hoạt động sản xuất của các mô hình.
Ngoài ra, ban lãnh đạo các HTX cần có sự sáng tạo, nhạy bén, tìm tòi, học hỏi áp dụng các hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường trong tình hình mới hiện nay để vận dụng vào hoạt động của HTX mình ngày càng hiệu quả hơn.
KIM LAN - QUẾ ANH