Ngành chăn nuôi heo xoay xở vượt khó
Hiện giá heo hơi giảm sâu khiến người nuôi đang lỗ nặng. Ngành chăn nuôi heo đang đứng trước thách thức lớn để tồn tại.
Người nuôi lỗ, chợ ế
Hộ ông Nguyễn Quang Thụy (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đang nuôi đàn heo hơn 200 con. Hai tháng trước, giá heo hơi khoảng 60.000 đồng/kg, còn nay giảm dưới mức 50.000 đồng/kg khiến ông Thụy đứng ngồi không yên vì lo thua lỗ.
“Với chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 30%, tính ra người nuôi đang lỗ 2.000-3.000 đồng/kg heo hơi. Nhiều hộ nuôi heo khác trong huyện cũng đang sốt ruột, không khéo phải giải nghệ nuôi heo chuyển sang làm công việc khác”, ông Thụy tâm sự.
Không chỉ người nông dân gặp khó, thông qua báo cáo tài chính của các doanh nghiệp chăn nuôi heo công bố hồi quý 4-2022 cho thấy, khó khăn bủa vây do giá vật tư nông nghiệp tăng cao và nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước tình trạng thua lỗ. Cụ thể, Tập đoàn Dabaco lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng trong quý 4-2022, và là lần đầu tiên lợi nhuận âm trong 5 năm qua.
Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam cũng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 6 tỷ đồng. Hay Tập đoàn Hòa Phát đạt doanh thu chỉ gần 1.690 tỷ đồng ở lĩnh vực nông nghiệp trong quý 4-2022, lợi nhuận chỉ đạt 22 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tiếp đó, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận 110 tỷ đồng lãi gộp trong quý 4-2022 ở mảng chăn nuôi heo, giảm hơn 36% so với quý trước đó.
Chăm sóc heo tại trang trại Hoa Phượng (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) |
Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (doanh nghiệp chăn nuôi heo lớn nhất Việt Nam), cho biết, heo hơi đạt chất lượng có giá bán tại trại từ 48.000-50.000 đồng/kg (chưa tính chi phí vận chuyển) do đó công ty đang lỗ khoảng 3.000 đồng/kg. Nếu trước tết, thị trường heo hơi giảm là do các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cắt giảm nhân sự, công nhân, nhà hàng không còn nhiều khách tiệc tùng, liên hoan…
Nhưng điều lạ là, giá heo giảm và lượng heo hơi ngoài chợ đầu mối cũng đang giảm từng ngày; thịt heo bán tại chợ truyền thống ít, không còn cảnh “xôm tụ” như trước kia. Số liệu thống kê minh chứng thời điểm tháng 1, heo hơi vào chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (TPHCM) trung bình 5.600 con/ngày với giá 60.000 đồng/kg; nhưng thời điểm ngày 10-2 chỉ còn khoảng 4.800 con/ngày và giá chỉ còn 50.000 đồng/kg.
Tiết giảm chi phí, mở rộng thị trường
Trước tình trạng sức tiêu thụ khó khăn, nhiều doanh nghiệp nuôi heo đang lên kế hoạch để duy trì sản xuất, hướng tới mở rộng thị trường. Theo ông Lê Xuân Huy, trang trại phải giảm đàn, tiết kiệm chi phí trong sản xuất để giảm giá thành như điện, nước, cắt giảm nhân công…
Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam, chia sẻ, hiện chăn nuôi heo theo nông hộ nhỏ lẻ không còn nhiều mà chủ yếu là các doanh nghiệp với quy mô công nghiệp. Nhờ đó, tiêu chí an toàn thực phẩm và vùng an toàn dịch bệnh đối với heo đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, nhằm đối phó với khó khăn, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất chế biến sâu với nhiều sản phẩm khác nhau như thịt xông khói, giò, chả, xúc xích… để đa dạng nguồn cung cho thị trường.
Một vấn đề khác đang thu hút sự kỳ vọng của các chủ trang trại chăn nuôi heo là Chính phủ cần đứng ra đàm phán với các nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Thời điểm này, giá heo hơi Việt Nam vẫn rẻ hơn so với các nước, như tại Lào giá 65.000 đồng/kg, Thái Lan khoảng 70.000 đồng/kg, Trung Quốc là 55.000 đồng/kg…
Một lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng, Việt Nam cần sớm thương thảo với các nước để xuất khẩu heo hơi nhằm ổn định giá thị trường trong nước. Tùy thời điểm, heo hơi xuất khẩu sang các nước sẽ có giá bán tốt hơn, chẳng hạn cuối năm 2022, giá heo hơi ở Trung Quốc cao hơn giá heo hơi Việt Nam khoảng 15.000 đồng/kg, nếu lúc đó chúng ta xuất khẩu được sang nước bạn sẽ đem về nguồn lợi nhuận khá lớn.
TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đề xuất, Việt Nam cần phải xuất khẩu heo chính ngạch nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ, tránh bị động trước việc xuất khẩu tiểu ngạch. Để heo hơi xuất khẩu chính ngạch sang các nước, Việt Nam cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Làm được điều này cần phải có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn liên kết để hạ giá thành chăn nuôi, giảm khâu trung gian, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm… Tất nhiên, đối với chính quyền, nếu có được nghị định thư xuất khẩu với quy định hàng rào kỹ thuật thì các doanh nghiệp sẽ nhanh nhạy triển khai xây dựng đáp ứng yêu cầu.
Khoảng 5 năm trước, Việt Nam đã có ký ghi nhớ với Trung Quốc về việc xuất khẩu heo hơi chính ngạch nhưng đến nay vẫn chưa xúc tiến thành công. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch không chính thống mà chỉ phát triển kinh tế vùng biên mậu, không thể xoay chuyển được cục diện toàn ngành.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết, vừa qua sau khi có văn bản của Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc, bộ đã chỉ đạo Cục Thú y tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE để đáp ứng cho nhiều thị trường khác nhau. Hiện Việt Nam đã có một số vùng an toàn dịch bệnh tại khu vực Đông Nam bộ và sẽ nhân rộng để hướng tới xuất khẩu.
Đồng Nai: Giá các sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại Đồng Nai, sau Tết Nguyên đán 2023, giá các sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh. Cụ thể, giá gà ta thả vườn hiện ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, gà lông màu còn 40.000 đồng/kg, vịt có giá 30.000 đồng/kg (đều giảm 3.000-4.000 đồng/kg so với dịp gần tết). Giá gà công nghiệp từ 40.000 đồng/kg giảm còn 20.000 đồng/kg do các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học đều nghỉ tết, đến nay giá bán chưa có dấu hiệu hồi phục. Giá heo hơi cũng đang tiếp tục đợt giảm giá mới. Heo bán trong trại nuôi tư nhân hiện dao động từ 46.000-50.000 đồng/kg, giảm 2.000-4.000 đồng/kg so với thời điểm giáp tết và với giá hiện nay, mỗi con heo bán ra, người nuôi gánh lỗ gần 1 triệu đồng. |
Theo sggp.org.vn