.
Nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động

BÀI 2: Kết nối, tạo việc làm cho người lao động

Cập nhật: 18:00, 17/02/2023 (GMT+7)

BÀI 1: Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp cắt giảm lao động

Trước những khó khăn về mặt đơn hàng, thị trường lao động năm 2023 được dự báo có sự dịch chuyển. Do đó, để giúp người lao động (NLĐ) tìm kiếm được việc làm, tỉnh Tiền Giang đang tập trung triển khai các giải pháp giới thiệu việc làm cho NLĐ.

DỊCH CHUYỂN LAO ĐỘNG

Bên cạnh những DN gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động. Hiện cũng có nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động ổn định và thiếu lao động.

Do nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Á Châu dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 200 lao động trong thời gian tới.
Do nhu cầu mở rộng sản xuất, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Á Châu dự kiến sẽ tuyển thêm khoảng 200 lao động trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang, tình trạng thiếu lao động xảy ra ở các DN tự chủ đơn hàng. Do đó, các DN này vẫn tiếp tục hoạt động bình thường và có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn. Cụ thể như Công ty PungKook Bến Tre - Chi nhánh Mỹ Tho đang có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân may; Công ty cổ phần Tex-Giang chi nhánh Chợ Gạo tuyển trên 500 lao động với nhiều vị trí; Công ty TNHH Minh Hưng Tiền Giang tuyển 300 lao động; Công ty TNHH CN Bellinturf có nhu cầu tuyển 100 nam lao động phổ thông…

Riêng Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thực phẩm Á Châu (huyện Châu Thành), hiện DN đang tiếp tục mở rộng sản xuất. Để tăng sản lượng, DN đang đầu tư thêm dây chuyền sản xuất. Do đó, dự kiến DN sẽ tuyển thêm khoảng 200 lao động trong thời gian tới.

Trên thực tế, thị trường lao động của tỉnh hiện có lĩnh vực thừa lao động, nhưng cũng có lĩnh vực thiếu lao động. Thời gian qua, một số DN trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, với việc thị trường lao động ở tỉnh đang có sự dịch chuyển, đây cũng là cơ hội để các DN có nhu cầu về lao động tuyển được người.

KẾT NỐI LAO ĐỘNG VÀ DOANH NGHIỆP

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2023, các DN vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới. Dự báo, tình hình DN gặp khó khăn do tác động của yếu tố thị trường sẽ tiếp tục kéo dài và có khả năng cắt giảm việc làm đối với lao động trong thời gian tới.

NLĐ tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang.
NLĐ tìm hiểu thông tin việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang.

Trước tình hình trên, để NLĐ có việc làm và giúp DN tuyển dụng được lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm nhằm kết nối, giới thiệu việc làm từ nơi thừa sang nơi thiếu. Trung tâm đã phối hợp với các DN tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động ở các huyện, thị, thành để tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng.

Đồng thời, kết nối với những Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để giới thiệu các DN và NLĐ tham dự để tuyển dụng và tìm kiếm việc làm. Trung tâm thu thập thông tin của các DN đang tuyển lao động và thông tin lên website của trung tâm và các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook để lao động mất việc nhanh chóng kiếm được công việc mới, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang cũng mời gọi các DN đang thiếu lao động tham gia các phiên giao dịch việc làm, các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 2 của tuần thứ ba hằng tháng tại Văn phòng Cơ sở 2 của trung tâm và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại chi nhánh Cai Lậy và Gò Công…

Trên thực tế, sau đại dịch Covid-19, thị trường lao động ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung có nhiều chuyển biến tích cực. Do đó, các DN cần nắm bắt cơ hội này để sắp xếp lại cơ cấu sản xuất, kinh doanh phù hợp xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay. Việc ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới công nghệ sản xuất sẽ giúp các DN cơ cấu lại sản xuất theo hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Dân Quyền, hiện nay, giải quyết “bài toán” lao động phổ thông cho các DN là một trong những khó khăn, thách thức đối với đơn vị. Hiện trung tâm đã có cơ sở dữ liệu của những NLĐ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, đơn vị sẽ lọc ra từng người có trình độ chuyên môn gì, nhu cầu làm công việc nào, ở đâu. Từ đó, trung tâm sẽ liên hệ với NLĐ qua Email, Zalo, điện thoại để kết nối cung cầu lao động. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, kết nối việc làm cho NLĐ thất nghiệp và DN tuyển dụng.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động của DN và tình trạng việc làm để có giải pháp phối hợp, hỗ trợ kịp thời khi cần thiết. Đồng thời, tiếp tục nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các DN để thông tin, giới thiệu, kết nối việc làm cho NLĐ. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH sẽ theo dõi, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có giải pháp tư vấn, hỗ trợ việc làm cho NLĐ; cung ứng lao động kịp thời cho các DN thiếu hụt lao động sau tết; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với NLĐ mất việc, nghỉ việc…

ANH THƯ

* BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ NGUYỄN ĐỨC CẢNH TIỀN GIANG LẦN THỨ XI (2022 - 2023)

.
.
.