.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY SẦU RIÊNG - BÀI TOÁN "CÂN NÃO"

BÀI 1: Sức hấp dẫn của sầu riêng

Cập nhật: 09:17, 22/02/2023 (GMT+7)

Xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là nền tảng rất quan trọng giúp tình hình tiêu thụ sầu riêng ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung trở nên khởi sắc. Hiệu quả kinh tế cao do sầu riêng mang lại là yếu tố hấp dẫn nông dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng phía Bắc Quốc lộ 1. Việc ào ạt chuyển sang trồng sầu riêng ở một số khu vực lại trở thành bài toán “cân não” cho ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương có điều kiện trồng loại cây đặc sản này.

Việc tỉnh Tiền Giang đầu tư các công trình phòng, chống hạn, mặn đã giúp niềm tin của người trồng sầu riêng càng được củng cố. Đặc biệt, Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đã tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ loại trái cây này.

Ông Mến là một trong những hộ đầu tiên trồng sầu riêng ở ấp Phú Đại, xã Phú Nhuận.
Ông Mến là một trong những hộ đầu tiên trồng sầu riêng ở ấp Phú Tiểu , xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy.

Giá sầu riêng vượt lên rất cao trong thời gian gần đây tiếp tục tạo “đòn bẩy” cho người dân có điều kiện tiếp tục chuyển đổi sang cây sầu riêng.

NGĂN MẶN, TRỮ NGỌT

Sầu riêng được xem là loại cây “vua” trong các loại cây ăn trái ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung, bởi giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại là rất lớn. Nhiều người dân trở nên khấm khá cũng nhờ cây sầu riêng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của loại cây này chính là rất “mẫn cảm” với mặn.

Nhìn lại 2 mùa hạn, mặn lịch sử 2015 - 2016 và 2019 - 2020, người trồng sầu riêng ở các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang lâm vào cảnh điêu đứng khi mặn xâm nhập sâu. 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại khoảng vài ngàn ha sầu riêng ở tỉnh. Nhiều vườn sầu riêng suy kiệt, người dân phải mất rất nhiều công sức, tiền của để chăm sóc, phục hồi. Thời điểm đó, người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh khá lưỡng lự trong việc trồng lại mới cây sầu riêng hay chuyển sang cây trồng khác.

20 CÂY SẦU RIÊNG GẦN BẰNG 4 HA TRỒNG LÚA

Lợi nhuận chính là yếu tố hấp dẫn làm cho người dân ào ạt chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Gần cả đời gắn bó với ruộng lúa, nhưng vẫn không khá lên, năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Mến (ấp Phú Tiểu  xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) đã mạnh dạn chuyển sang trồng hơn 1 công sầu riêng với hơn 20 gốc.

Ở khu vực này, ông Mến là một trong những hộ tiên phong trồng sầu riêng. Nhận thấy cây sầu riêng phát triển tốt trên vùng đất này, gia đình ông Mến quyết định “làm ăn lớn” với việc tiếp tục lên liếp 6 công đất lúa để trồng sầu riêng. Để chống ngập úng, gia đình ông đã đầu tư xây dựng bờ tường dài 400 m với chi phí lên đến vài trăm triệu đồng.

Đến nay, gia đình ông đã có 2,3 ha sầu riêng. Vợ ông Mến phấn khởi nói: “Mỗi gốc sầu riêng từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chi phí khoảng 5 triệu đồng. Năm đầu tiên, 20 mấy gốc sầu riêng thu hoạch được 450 trái, bán được 90 triệu đồng. Trước đây, tôi làm 4 ha lúa vụ đông xuân chỉ bán được 102 triệu đồng, coi như không có lời. Trong khi đó, chỉ có 20 mấy gốc sầu riêng mà đã bán được 90 triệu đồng”.

Trước tác động của thực tiễn, bài toán chuyển đổi sang loại cây ăn trái hay các giải pháp công trình phù hợp khác trên thực tế cũng đã được tỉnh tính đến để thích ứng với xu hướng của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Trước mắt, để giúp người dân an tâm sản xuất, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục vườn sầu riêng.

Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất là triển khai các công trình phòng, chống hạn, mặn phải được tính đến để bảo vệ được phần lớn diện tích có khả năng trồng cây ăn trái đặc sản cũng như đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho người dân. Đó là, để kiểm soát mặn, trữ ngọt, tỉnh đã chú trọng đầu tư hệ thống đê bao, cống đập tại các huyện phía Tây.

Đặc biệt, việc đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 giai đoạn 1 và cống Nguyễn Tấn Thành giúp niềm tin của người dân với cây sầu riêng và nhiều loại cây trồng khác được củng cố. Nhờ đó, người dân tiếp tục lựa chọn gắn bó với loại cây đã cho họ cuộc sống ấm no, sung túc thời gian qua. Niềm tin về “địa lợi” bắt đầu được củng cố vững chắc hơn.

Tất nhiên, với những nền tảng về hạ tầng sản xuất, nông dân phấn khởi hơn nhiều. Bén duyên với cây sầu riêng từ năm 2012, nhưng đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2019, đầu năm 2020 đã làm vườn sầu riêng hơn 2 công của ông Nguyễn Tấn Ngọc (xã Phú Quý, TX. Cai Lậy) gần như chết rụi. Thời điểm mặn xâm nhập sâu, vườn sầu riêng của ông Ngọc đang cho trái. Vừa nuôi trái, vừa chống chọi với hạn, mặn gay gắt nên cây đã bị suy kiệt nặng và chết.

Ông Ngọc cho biết: “Sau khi sầu riêng chết, tôi cũng như người dân xung quanh rất băn khoăn trong việc trồng mới lại sầu riêng. Tuy nhiên, bây giờ không trồng sầu riêng thì biết trồng cây gì? Lúc đó, nghe tỉnh sắp xây mấy cống ngăn mặn lớn nên cũng yên tâm phần nào. Từ đó, nhà tôi mới quyết định trồng lại sầu riêng”.

Cơ sở thu mua sầu riêng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Gạo.                                                                                                                                                                                                                                                   Ảnh: lập đức
Cơ sở thu mua sầu riêng của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chợ Gạo. Ảnh: Lập Đức

Có thể nói, việc đầu tư hệ thống thủy lợi ngăn mặn đã giúp niềm tin của người trồng sầu riêng được củng cố. Không chỉ những người đã trồng sầu riêng tiếp tục gắn bó với loại cây này, mà nhiều nông dân khác cũng mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây khác sang trồng sầu riêng. Ông Lê Hoàng Hiệp (ấp 3, xã Tân Bình, TX. Cai Lậy) trước đây có 4 công đất canh tác lúa.

Tuy nhiên, từ tháng 9-2022, ông Hiệp đã mạnh dạn lên liếp để trồng gần 90 gốc sầu riêng Monthong. Chỉ tay về đám ruộng kế bên vườn sầu riêng vừa mới trồng của gia đình, ông Hiệp cho biết, hết vụ lúa này, mảnh ruộng hơn 1 ha đó cũng sẽ lên liếp để trồng sầu riêng. Hiện nông dân làm lúa có lời ít lắm, do chi phí phân, thuốc cao quá. Ông Hiệp bày tỏ: “Ở đây, người dân chuyển từ làm lúa sang trồng dừa, mít Thái, sầu riêng. Sầu riêng chịu đất ở đây nên phát triển tốt lắm. Trồng sầu riêng bây giờ chỉ sợ nước mặn, nhưng nghe tỉnh đầu tư các cống ngăn mặn nên cũng yên tâm”.

VÀ TÍN HIỆU LẠC QUAN

Thời gian gần đây, cây sầu riêng phát triển “nóng” trên địa bàn tỉnh một phần cũng chịu tác động lớn từ việc loại trái cây này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11-7-2022, nhìn chung giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán 2023, giá sầu riêng tạo nên “cơn sốt” dữ dội khi tăng lên hơn 200.000 đồng/kg.

Đây là mức giá chưa từng có của sầu riêng từ trước đến nay. Mức này rất hấp dẫn đối với người sản xuất và tạo động lực mới đối với những nông dân khác. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Tý (xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè) có 17,5 công sầu riêng, trong đó có 5 công đã cho trái và 12,5 công mới được 1 năm tuổi. Theo ông Tý, sau khi trồng 5 năm, vườn sầu riêng cho trái mùa đầu tiên với năng suất trung bình khoảng 1 tấn/công. Lợi nhuận trung bình cho mỗi công sầu riêng khoảng 100 triệu đồng/năm. “Hiện nay, sầu riêng tiêu thụ rất tốt đa số là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên mang lại thu nhập rất cao” - ông Tý chia sẻ.

Với những gì diễn ra trong những tháng gần đây, việc chuyển đổi sang sầu riêng chắc chắn không còn là vấn đề mang tính cá biệt. Vì lẽ đó, các địa phương cũng đang tính toán, cân nhắc tìm giải pháp để thích ứng. Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn cho biết, đến thời điểm này, diện tích cây ăn trái của huyện là 23.000 ha. Những năm gần đây, diện tích sầu riêng và mít Thái tăng nhanh. Khi có Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng tăng rất cao. Lợi nhuận của trồng sầu riêng mang lại cao hơn lúa từ 15 - 16 lần nên nhiều người dân đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Nhìn trên bức tranh tổng thể của ngành Nông nghiệp cũng cho thấy sự dịch chuyển khá rõ của xu thế chuyển đổi này. Đây cũng là câu chuyện cũ của ngành Nông nghiệp một khi xuất hiện tín hiệu lạc quan của một loại nông sản nào đó. Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng được Bộ NN-PTNT Việt Nam ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sầu riêng mở rộng thị trường cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu.

Theo đó, năm 2022, giá bán sầu riêng dao động từ 100.000 - 190.000 đồng/kg, cao hơn năm 2021 từ 20.000 - 90.000 đồng/kg, trừ hết các chi phí, nhiều nhà vườn thu lãi từ 1 - 2 tỷ đồng/ha nên người trồng sầu riêng rất phấn khởi. Bài toán “cân não” trong việc ứng phó và thích ứng của các ngành, địa phương với chuyển đổi cây trồng một lần nữa chính thức bắt đầu…

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

(còn tiếp)

 

.
.
.