Thứ Sáu, 24/02/2023, 09:35 (GMT+7)
.
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY SẦU RIÊNG - BÀI TOÁN "CÂN NÃO"

BÀI 2: Ào ạt trồng sầu riêng

BÀI 1: Sức hấp dẫn của sầu riêng

Những gì đang diễn ra cho thấy, diện tích trồng mới sầu siêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chưa có dấu hiệu dừng lại. Điểm đặc biệt là trong thời gian ngắn gần đây nông dân khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 của tỉnh “đua nhau” chuyển từ đất lúa và các loại cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng.

Cũng từng có một thời phong trào bỏ lúa trồng mít Thái phát triển mạnh ở vùng phía Bắc Quốc lộ 1 cùa tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, giờ đây cây mít Thái không còn giữ được vị thế như trước và dần được thay thế bởi cây sầu riêng.

BỎ LÚA, ĐỐN MÍT THÁI

Chúng tôi men theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào những ngày đầu tháng 2. Đây là khu vực chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái rõ rệt nhất. Những cánh đồng lúa giờ đây đã được thay thế bằng những vườn cây ăn trái xanh tốt, sum sê. Đặc biệt, thời gian gần đây, diện tích sầu riêng tăng nhanh tại khu vực này. 5 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Loan (xã Tân Hội, TX. Cai Lậy) chuyển từ làm lúa sang trồng mít Thái siêu sớm.

Nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng.
Nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng.

Tuy nhiên, 3 công mít Thái thu hoạch được mới chỉ 2 mùa thì cây bắt đầu có dấu hiệu xì mủ và chết khá nhiều. Giá mít thời gian qua lên xuống thất thường nên nông dân cũng không còn mặn mà với loại cây này nữa. Từ đầu năm 2022, gia đình chị Loan bắt đầu đốn mít Thái để chuyển sang trồng sầu riêng. “Dù giá sầu riêng có giảm, nhưng cũng không quá thấp. Còn mít Thái một khi giá đã giảm thì chạm đáy. Ở đây, hiện người dân đã chuyển sang trồng sầu riêng rất nhiều chứ không riêng gì nhà tôi”- chị Loan chia sẻ.

Cũng như nhiều hàng xóm xung quanh, năm 2019, gia đình chị Võ Thị Tám (khu phố Bình Thạnh, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy) quyết định chuyển gần 2 công đất lúa sang trồng mít Thái do lợi nhuận từ cây lúa rất ít. Đến nay, sau gần 4 năm trồng mít Thái, gia đình chị đã thu hồi vốn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh xì mủ trên mít Thái xảy ra nhiều dẫn đến chết cây. Thêm vào đó, do thấy sầu riêng có giá cao nên chị Tám quyết định trồng xen sầu riêng vào vườn mít Thái. Chị Tám cho biết, ở đây, người dân lên vườn gần hết. Nhà chị trồng xen sầu riêng vào vườn mít với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Khi sầu riêng lớn sẽ đốn bỏ mít Thái.

Xuôi về vùng lũ, phong trào chuyển đổi đất lúa sang trồng sầu riêng thời gian gần đây cũng đang “nóng” lên. Cách đây 4 năm, ông Nguyễn Văn Đông (xã Hậu Thành, huyện Cái Bè) quyết định chuyển 1 ha lúa sang trồng sầu riêng. Đến thời điểm này, chi phí đầu tư cho mỗi cây sầu riêng khoảng 4 triệu đồng. Tính ra, ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng cho vườn sầu riêng hơn 1 ha của gia đình. Ông Đông cho biết: “Đất ruộng tại khu vực của gia đình tôi nằm trong ô đê bao nên đảm bảo việc trồng sầu riêng. Cây sầu riêng ở đây phát triển rất tốt không thua ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1. Khoảng 1 năm nữa vườn của tôi có thu hoạch rồi”.

Còn tại khu vực ấp Mỹ Phú B, xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè, ông Võ Văn Bốn (60 tuổi) là một trong những hộ dân đầu tiên chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sầu riêng. Đến nay, vườn sầu riêng Monthong 6 công của ông đã được 4 năm tuổi. Nói về cơ duyên với cây sầu riêng, ông Bốn cho biết, do làm lúa rất bấp bênh, thu nhập rất thấp nên ông mới chuyển sang trồng sầu riêng. “Cây sầu riêng có triển vọng rất tốt; bởi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên cho thu nhập rất cao. Trong khi 6 công lúa làm giỏi lắm cũng chỉ lời hơn 20 triệu đồng/năm” - ông Bốn nói.

VÀ LO LẮNG

Việc nhiều hộ gia đình tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa hay các loại cây ăn trái khác sang sầu riêng, nhất là từ cuối năm 2022 đến nay do giá bán rất cao dẫn đến diện tích trồng sầu riêng tăng cao. Trước thực trạng hiện nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Phan Thanh Sơn cho biết, địa phương rất lo lắng khi người dân ồ ạt trồng sầu riêng. Hằng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết cho từng nhóm cây trồng và diện tích chuyển đổi của từng xã dựa trên cơ sở định hướng Đề án Chuyển đổi cây trồng của tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây ăn trái, nhất là sầu riêng ở phía Bắc Quốc lộ 1 diễn ra rải rác chưa theo quy hoạch dẫn đến nhiều rủi ro. Từ năm 2021 đến nay, tại vùng phía Bắc Quốc lộ 1 của huyện, nông dân đã chuyển từ đất lúa, cây ăn trái già cỗi sang trồng cây ăn trái với diện tích gần 1.400 ha, chủ yếu là sầu riêng (930 ha). Từ đó, tổng diện tích sầu riêng hiện trên toàn huyện khoảng 7.000 ha.

Nhìn từ thực tiễn, đồng chí Phan Thanh Sơn cho biết, hiệu quả của cây sầu riêng đã thấy rõ. Nông dân thu nhập tiền tỷ từ cây sầu riêng là chuyện bình thường. Do đó, diện tích sầu riêng cứ tăng lên. Giá sầu riêng tăng cao nên người dân đã đốn các loại cây ăn trái khác để trồng sầu riêng. UBND huyện kêu gọi nông dân phải cân nhắc khi chuyển đổi, nhất là nguồn lực tài chính của gia đình. Bởi cây sầu riêng trồng khoảng 5 năm mới cho hiệu quả kinh tế, cần tránh tình trạng đầu tư nửa chừng rồi thiếu vốn. Mặt khác, địa phương chưa kịp quy hoạch đầu tư hệ thống thủy lợi để phục vụ trồng sầu riêng.

Huyện Cai Lậy là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Thời gian qua, diện tích sầu riêng trên địa bàn huyện cũng không ngừng tăng. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cai Lậy, hiện diện tích sầu riêng của toàn huyện là 10.555 ha; trong đó, có khoảng 8.500 ha đang cho trái ổn định, năng suất từ 20 - 23 tấn/ha/năm.

Diện tích sầu riêng của huyện tập trung phần nhiều ở các xã phía Nam Quốc lộ 1 và một phần của thị trấn Bình Phú. Do đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao nên người dân đã tự chuyển đổi từ cây trồng khác và từ đất lúa kém hiệu quả. Hiện tại trên địa bàn huyện còn diện tích vườn tạp, canh tác lúa kém hiệu quả khoảng 200 ha nằm giữa Quốc lộ 1 và đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ở khu vực này, nhà vườn hiện cũng có xu hướng chuyển đổi sang trồng sầu riêng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, qua thực tế, hiệu quả kinh tế của các loại cây ăn trái sau khi chuyển đổi khá cao, dao động từ 120 - 357,5 triệu đồng/ha, cao gấp 4 - 12 lần so với sản xuất lúa. Trước sự chênh lệch quá lớn nói trên, thời gian qua các nhà vườn đã chuyển từ đất lúa sang trồng các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng một cách ồ ạt. Khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 là một trong những vùng phát triển “nóng” cây sầu riêng trong những năm qua. Theo số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh hơn 17.653 ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy.

Nhìn trên bức tranh tổng thể, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết, diện tích sản xuất nông nghiệp vùng phía Bắc Quốc lộ 1 khoảng 80.000 ha, trong đó có 27.000 ha đất lúa và 48.000 ha cây ăn trái các loại. Diện tích trồng mít Thái tại khu vực này khoảng 5.200 ha, sầu riêng là 3.000 ha. Tuy nhiên, trên thực tế, nông dân đã chen sầu riêng vào các vườn mít Thái rất nhiều. “Việc chuyển đổi sang cây trồng khác tại khu vực này thời gian qua rất nhiều, nhưng tăng nhiều nhất vẫn là cây sầu riêng.

Ngay cả huyện Tân Phước, nông dân cũng có trồng sầu riêng và có thất bại, do trồng chưa đến 1 năm cây không phát triển được. Ngay đến sâu trong xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy cũng đã có những vườn sầu riêng, nhưng cây không phát triển tốt được. Song ở khu vực xã Mỹ Hạnh Trung, Tân Hội (TX. Cai Lậy) hay xã Tân Thanh (huyện Cái Bè) cây sầu riêng lại phát triển rất tốt. Chưa kể, những vườn sa pô đang cho trái ở phía Nam Quốc lộ 1 nông dân vẫn đốn để chuyển sang trồng sầu riêng” - đồng chí Nguyễn Văn Mẫn thông tin.

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

(còn tiếp)

 

.
.
.