BÀI CUỐI: Đến những dự án mang tính động lực
BÀI 1: Từ tuyến đường dọc sông Tiền
Xác định đầu tư công sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án. Trong đó, lĩnh vực giao thông luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, bố trí nguồn vốn để đầu tư.
ĐẨY NHANH CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM CỦA TỈNH
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), trong năm 2023, ngành Giao thông sẽ tập trung triển khai các dự án theo kế hoạch đầu tư công năm 2022 đã được phê duyệt và thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho năm 2023. Theo đó, ngành Giao thông sẽ tiếp tục thi công hoàn thành các công trình chuyển tiếp từ năm 2022 sang và công trình khởi công năm 2023 như: Sửa chữa, mở rộng đường tỉnh 877E từ đường tỉnh 877 đến Bến đò Quơn Long; sửa chữa, mở rộng đường Chiến Thắng (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo)...
Đường tỉnh 879B đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. |
Đặc biệt, ngành Giao thông sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chuyển tiếp trọng điểm như: Đường Lộ Dây Thép (đường tỉnh 880B); nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 874; đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông; đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh tỉnh Long An; nâng cấp, mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp). Đồng thời, chuẩn bị đầu tư các dự án như: Đường phát triển Đồng Tháp Mười, đường tỉnh 879C (từ Quốc lộ 50 đến cầu Thạnh Lợi). Đây là những công trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Theo Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, trong năm 2023, đơn vị sẽ thi công sửa chữa, bảo trì dự kiến 14 công trình chuyển tiếp từ năm 2022 chuyển sang và khởi công mới 29 công trình với tổng vốn giao là 123 tỷ đồng. Ngành Giao thông sẽ mở rộng, sửa chữa các tuyến đường tỉnh 871, 871C, 873B, 862...; lắp đặt hệ thống thoát nước trên các tuyến đường tỉnh tập trung những đoạn qua khu đô thị, khu dân cư. |
Cũng trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giao thông là sẽ đề xuất UBND tỉnh chấp thuận đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh phục vụ xây dựng tỉnh, huyện nông thôn mới như: Đường tỉnh 871C (đoạn qua địa bàn huyện Gò Công Đông); đường tỉnh 873B (đoạn từ đường huyện 01 đến đường huyện 10); đường tỉnh 877B (đoạn từ đường vào Trung tâm hành chính huyện Tân Phú Đông đến giáp biển) và nâng cấp, mở rộng các cầu trên tuyến. Một trong những dự án quan trọng để hoàn thiện cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Sở GTVT sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư và chỉ đạo các sở, ngành tham mưu sớm thực hiện hoàn thành dự án để góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Ngoài ra, ngành Giao thông cũng đề xuất UBND tỉnh chấp thuận đầu tư một số công trình liên kết với tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre như sau: Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 879 (từ cầu Bến Tranh đến ranh Long An); mở mới đoạn đường tỉnh 879D (đoạn kết nối từ cuối tuyến đến ranh tỉnh Long An); xây dựng cầu Đồng Sơn trên đường huyện 18 kết nối tỉnh Long An; xây dựng các cầu yếu còn lại trên đường tỉnh 863, đường và cầu kết nối đường tỉnh 863 đến đường tỉnh 861.
Tiến độ thi công cầu Mỹ Thuận 2 đang được đảm bảo. |
PHỐI HỢP TRIỂN KHAI CÁC DỰ ÁN TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ
Nằm ở cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ với các tỉnh miền Tây. Thời gian qua, Trung ương đã triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng đi qua địa bàn tỉnh.
Theo Sở GTVT, trong năm 2023, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan Trung ương sớm hoàn thành mở rộng cầu Mỹ Đức Tây trên Quốc lộ 1. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án gồm: Cầu Mỹ Thuận 2; Rạch Miễu 2; nâng cấp, mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2; Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1…
Cùng với các dự án trọng điểm Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 cũng là một công trình quan trọng, mang tính liên kết vùng, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 30. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổ chức cắm và bàn giao cọc GPMB ngoài thực địa đối với Dự án thành phần 2, thuộc tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan chủ quản. Theo đó, Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại lý trình khoảng Km23+109 (cách nút giao An Bình khoảng 4 Km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 Km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43 km; trong đó thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,81 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km. Quy mô mặt cắt ngang như sau: Giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế (mỗi làn xe rộng 3,5 m) với chiều rộng nền đường là 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cao tốc (mỗi làn xe rộng 3,75 m) với chiều rộng nền đường là 24,75 m, vận tốc khai thác là 100 km/h. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 2.246 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; trong đó, chi phí GPMB khoảng 398 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2027. |
Trong các dự án trọng điểm Trung ương triển khai trên địa bàn, cầu Mỹ Thuận 2 là công trình quan trọng mang tính liên kết vùng. Hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành. Tiến độ triển khai thi công đến nay đạt trên 70% giá trị các hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Phần đường và cầu dẫn đã cơ bản hoàn thành, phần cầu chính hiện đã thi công xong trụ tháp, đã căng cáp dây văng cho đốt dầm đầu tiên, hoàn thành dự án trong năm 2023.
Đặc biệt, khi dự án đưa vào sử dụng sẽ kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Điều này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển trên quãng đường này chỉ còn gần 2 giờ, góp phần giảm áp lực giao thông, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1. Đặc biệt là giải quyết tình trạng xung đột giao thông tại nút giao An Thái Trung và kẹt xe tại cầu Mỹ Thuận mỗi dịp lễ, tết.
Cùng với cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2 cũng là dự án quan trọng đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để giải quyết “bài toán” kẹt xe tại cầu Rạch Miễu hiện hữu. Hiện tỉnh đang tập trung quyết liệt cho công tác GPMB để nhà thầu triển khai thi công đúng theo tiến độ.
Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, trong năm 2023, đơn vị sẽ kiến nghị Trung ương sớm đầu tư xây dựng các cầu hẹp còn lại trên Quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh (Bà Đắc, An Cư, Thông Lưu). Đây là những “nút thắt cổ chai” trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua.
Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang sẽ kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, sớm bố trí nguồn vốn hỗ trợ thực hiện Dự án Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh. Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa phận tỉnh dài khoảng 21,5 km, kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre (giai đoạn 1), điểm đầu kết nối với Quốc lộ 50 đi tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh, điểm cuối kết nối tỉnh Bến Tre đi Trà Vinh và các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong dự án này sẽ có hạng mục cầu bắc qua huyện Tân Phú Đông kết nối với tỉnh Long An và tỉnh Bến Tre. Dự án dự kiến chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2023 và nửa đầu năm 2024, dự kiến khởi công đầu tư vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
ANH PHƯƠNG - ANH THƯ