.

Tiền Giang: Chính sách tín dụng góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Cập nhật: 21:30, 14/02/2023 (GMT+7)

Với mục tiêu góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của các cấp, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ngân hàng CSXH tỉnh)) đã triển khai có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

Trong năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh huy động mọi nguồn lực để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, từng bước giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống cho một bộ phận người nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng CSXH tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ngân hàng CSXH tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo đó, trong năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện tăng trưởng tín dụng đạt 99,84% kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mức cho vay hộ nghèo từ 30 triệu đồng/hộ năm 2021 tăng lên 33,65 triệu đồng/hộ năm 2022; hộ cận nghèo từ 30,4 triệu đồng/hộ năm 2021 tăng lên 34,4 triệu đồng/hộ năm 2022.

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong năm đã góp phần giúp 7.587 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 8.554 lao động; tạo điều kiện cho trên 4.051 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; giúp 1.371 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; hỗ trợ 24 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập vay vốn do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; giúp xây dựng 15.378 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn; giúp 67 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và hỗ trợ 52 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để mua, xây dựng mới và sửa chữa nhà ở.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,27% (giảm 0,33% so với đầu năm) và hoàn thành một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cùng với đó, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng đã giải ngân cho 35 khách hàng, số tiền 60,194 tỷ đồng để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 17.114 lượt lao động.

Trong năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; qua đó, đã hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn theo Nghị quyết 11 ngày 30-11-2022 của Chính phủ.

PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH, BỀN VỮNG

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2022, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục đưa hoạt động tín dụng chính sách phát triển theo hướng ổn định, bền vững và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động tín dụng của Ngân hàng CSXH khá đặc thù, không đặt lợi nhuận như những ngân hàng thương mại. Ngoài bảo toàn vốn, Ngân hàng CSXH còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân.

Để thực hiện đạt hiệu quả nhiệm vụ năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đặc biệt quan tâm yếu tố con người, theo đó tập trung củng cố Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, huyện; xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ; phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt với tinh thần công tâm, khách quan và minh bạch để làm gương cho cán bộ, viên chức noi theo và có sự đoàn kết nội bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Củng cố tổ tín dụng, tổ tiết kiệm đảm bảo đủ điều kiện để quản trị vốn và hộ vay vốn, đối tượng vay vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa các thủ tục…”.

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH TIỀN GIANG TRẦN VĂN DŨNG

Theo đó, năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh đặt ra một số chỉ tiêu, kế hoạch, như: Huy động tiền gửi của tổ chức và cá nhân đạt 410 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng 5,12%. Huy động tiền gửi thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 285 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng 7,55%. Phấn đấu trên 85% tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên tham gia gửi tiền thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đồng thời, tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương dành một phần ngân sách chuyển sang để cùng với nguồn vốn trung ương đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh tham mưu nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang 30 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

LÝ OANH

.
.
.