Thứ Bảy, 04/02/2023, 09:17 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Doanh nghiệp sẽ "thuận buồm, xuôi gió"?

Nhịp đập của các doanh nghiệp bắt đầu trở lại guồng quay mới. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp tính toán cho chiến lược sản xuất, kinh doanh năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh những khó khăn, nhiều yếu tố thuận lợi cũng được các doanh nghiệp dự báo nhờ vào những tín hiệu mới của thị trường.

KHỞI SẮC

Năm 2023 là năm được kỳ vọng để ngành Thủy sản chế biến bứt phá vươn lên. Điều này được dự báo dựa trên nền tảng tăng trưởng của năm 2022 và những tín hiệu mới từ thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, bên cạnh những dự báo lạc quan, bao giờ thị trường cũng mang đến những yếu tố bất ngờ, rủi ro.

Đánh giá chung về diễn biến thị trường ngành hàng thủy sản xuất khẩu thời gian vừa qua và dự báo cho năm 2023, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền Nguyễn Thị Ánh cho biết, năm 2022 vừa qua so với các năm trước cũng có nhiều khó khăn, nhất là đối với người lao động. Lý do chính là các đơn hàng giảm hơn, do tình hình các nước tiêu thụ còn chậm.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu.

Tuy nhiên, Công ty cổ phần Thương mại Sông Tiền cũng có lợi thế là có mặt lâu năm trên thị trường, xây dựng được thương hiệu, có khách hàng truyền thống nên đơn hàng cũng có thường xuyên. Để tạo đà cho năm 2023 và những năm tiếp theo, công ty sẽ tập trung vào vùng nuôi, sẵn sàng nguồn nguyên liệu phục vụ cho 2 nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2023, công ty cũng đã có một số đơn hàng nên an tâm sản xuất và hướng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. “Công ty mong muốn tình hình kinh tế ổn định, lạm phát của các nước giảm dần, sức mua của thị trường được cải thiện. Chúng tôi thấy màu sắc kinh tế có tiến triển trong những tháng gần đây thông qua dấu hiệu của sức mua ở các thị trường lớn có khởi sắc”- bà Nguyễn Thị Ánh cho biết.

Cùng trong nhóm ngành thủy sản chế biến, nhiều doanh nghiệp khác cũng bắt đầu tính toán đến các kế hoạch tăng trưởng trong năm 2023. Kế hoạch của các doanh nghiệp cũng được dựa trên nhiều yếu tố được đánh giá là thuận lợi ở các thị trường tiêu thụ lớn. Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức (huyện Châu Thành), công ty hiện có 3.000 công nhân chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá tra...

Công ty hiện có vùng nuôi 300 ha, với diện tích nước mặt khoảng 180 ha. Mỗi năm, công ty thu hoạch trên 60.000 tấn cá tra. Nhờ đó, công ty chủ động được trên 80% nguồn nguyên liệu sản xuất. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh và cả nước, công ty vẫn giữ và phát triển thêm được khách hàng.

“Điều này phần lớn là nhờ sự tạo điều kiện của tỉnh để công ty sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Từ đó, công ty không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, giữ vững được thị trường. Năm 2022, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng mạnh, doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 143% so với năm 2021. Xuất khẩu trong năm 2022 đạt 150 triệu USD, tăng 150% so với năm 2021, lợi nhuận tăng 232%; nộp ngân sách 126 tỷ đồng”- đại diện công ty cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức, trong quý IV-2022, người nuôi thấy thị trường cá tra gặp khó khăn nên nhiều hộ không thả nuôi. Do đó, tình hình xuất khẩu cá tra năm 2023 được dự báo sẽ rất khó khăn.

Trước hết là chênh lệch tỷ giá USD, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Mặt khác, đầu ra cá tra thành phẩm sụt giảm do giữa năm 2022 các doanh nghiệp nước ngoài thiếu hụt nguồn hàng vì tác động của đại dịch Covid-19. Từ đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua cá tra nên hiện nguồn hàng đang dồi dào.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp trong nước tập trung đẩy mạnh sản xuất. Dù khó khăn rất lớn, nhưng trong quý I-2023, doanh nghiệp vẫn sẽ đảm bảo tiến độ sản xuất theo kế hoạch. Một trong những định hướng xuyên suốt của doanh nghiệp là đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ cá tra, chứ không phải chỉ tập trung sản xuất mặt hàng cá tra đông lạnh. Do đó, công ty đã và đang đẩy mạnh ngành hàng thực phẩm chế biến.

MỞ HƯỚNG MỚI

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu là doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm thủy sản để xuất khẩu. Trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty đã khắc phục khó khăn và có mức tăng trưởng cao. Bà Trương Thị Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Á Châu (huyện Châu Thành) cho biết, năm 2021, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Do đó, trong năm 2022, doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu để bù lại năm 2021. Năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp đạt 6,5 triệu USD, sản lượng thực phẩm sản xuất là 2.500 tấn, tăng 45% so với năm 2021. Lợi nhuận của doanh nghiệp vượt kế hoạch 200%. Hiện công ty có 2 mảng sản xuất, thứ nhất là làm gia công sản phẩm susi cho thị trường Nhật Bản. Dây chuyền sản xuất này rất ổn định. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công ty “sống được” cũng nhờ gia công sản phẩm này. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu các sản phẩm từ thủy sản sang hơn 10 nước, khu vực khác như: Châu Âu, Hàn Quốc, Úc…

Trong năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp đã tuyển thêm công nhân, nâng tổng số lao động hiện có lên 800 người. Thu nhập của người lao động trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng. Dịp Tết Nguyên đán 2022, doanh nghiệp thưởng cho công nhân 2 tháng lương, trung bình khảng 25 triệu đồng/người.

Cũng theo bà Trương Thị Nguyệt, trong năm 2023, doanh nghiệp phấn đấu sản xuất khoảng 3.600 tấn thực phẩm các loại. Hiện doanh nghiệp đang có 3 dây chuyền sản xuất. Để tăng sản lượng, doanh nghiệp đang đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất. Do đó, dự kiến doanh nghiệp sẽ tuyển thêm khoảng 200 lao động. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty cũng đang lo lắng về tốc độ bán hàng trong thời điểm đầu năm chậm hơn.

Nhìn ở khía cạnh khác, ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn (TP. Mỹ Tho) cho biết, trong năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh tổ yến cũng có những cơ hội lớn, cụ thể là Nghị định thư về xuất khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp đang định hướng phát triển thêm xưởng để sản xuất tổ yến xuất khẩu.

Quy mô của xưởng sản xuất cũng tương đối lớn, do đó trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ nỗ lực để đạt các tiêu chuẩn về xuất khẩu tổ yến như: Mã định danh nhà yến; đào tạo nguồn nhân lực… Doanh nghiệp phấn đấu trở thành đơn vị xuất khẩu tổ yến lớn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau thời gian chật vật chống chọi với dịch Covid-19, đây là lúc để các doanh nghiệp bắt đầu với guồng quay mới. Tuy còn không ít khó khăn ở phía trước nhưng với những tín hiệu, thông điệp ngay từ đầu năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp nhìn chung được dự báo khả quan hơn; thuận buồm, xuôi gió hơn.

AP - M. THÀNH

.
.
.