.

Tiếp tục nhân rộng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Cập nhật: 14:05, 25/02/2023 (GMT+7)

(ABO) Sáng 25-2, tại xã Mỹ Hạnh Trung, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) TX. Cai Lậy tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa” vụ đông xuân năm 2022 - 2023. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Theo Trung tâm DVNN TX. Cai Lậy, nhằm giúp nông dân trồng lúa thay đổi tập quán trong sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tạo ra sản phẩm an toàn, trong vụ đông xuân 2022 - 2023, đơn vị thực hiện mô hình “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa” tại xã Mỹ Hạnh Trung với quy mô 50ha/71 hộ tham gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội thảo.

Theo đó, khi tham gia mô hình, nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như: "1 phải 5 giảm", xuống giống tập trung… Nông dân được hỗ trợ 40% lúa giống, vật tư thiết yếu.

Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK phát biểu tại hội thảo.
Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK phát biểu tại hội thảo.

Theo đánh giá của Trung tâm DVNN TX. Cai Lậy, tổng chi phí đầu tư cho 1 ha lúa ứng dụng công nghệ cao là khoảng 18,5 triệu đồng, trong khi sản xuất ngoài mô hình là khoảng 22,8 triệu đồng.

Lãnh đạo tỉnh và nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.

Lợi nhuận từ sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 39,5 triệu đồng, tăng thêm khoảng 6,4 triệu đồng so với truyền thống.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Văn Trọng, cho rằng, với kết quả đạt được, hiệu quả của mô hình đã thấy rõ. Chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể phải tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nhân rộng sản xuất, không còn ở hình thức mô hình nữa.

Đảng bộ, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể phải là cầu nối giữa nhà nước và doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân, bởi có những việc người nông dân không thể tự làm được.

TX. Cai Lậy tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phục vụ sản xuất. TX. Cai Lậy và các xã tiếp tục nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất mới, theo hướng hữu cơ. Khi địa phương nào có mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả phải kịp thời động viên, khuyến khích và khen thưởng.

Đồng chí Phạm Văn Trọng cũng cho rằng, nông dân phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế nông nghiệp; phát huy tính năng động, sáng tạo, cần cù của nông dân, mạnh dạn thay đổi, học tập kinh nghiệm.

            TRỌNG ĐẠT

.
.
.