Thứ Sáu, 10/02/2023, 10:28 (GMT+7)
.

Tín hiệu tích cực từ tiêu thụ thanh long

Từ trước Tết Nguyên đán 2023 đến nay, giá thanh long ruột đỏ và ruột trắng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang liên tục duy trì ở mức cao. Điều này giúp nhiều nhà vườn trồng thanh long thu lợi nhuận khá, lấy lại vốn sau các năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

TIÊU THỤ KHẢ QUAN

Việc Trung Quốc mở cửa thị trường đã giúp tình hình tiêu thụ nông sản của nước ta khởi sắc trở lại. Trong bối cảnh  chung, giá các loại trái cây chủ lực ở tỉnh như: Sầu riêng, thanh long, mít Thái đang tăng cao, hút hàng. Đặc biệt, người trồng thanh long đã có niềm vui khi giá loại trái cây này đã tăng trở lại.

Giá thanh long đang duy trì ở mức cao.
Giá thanh long đang duy trì ở mức cao.

Ghi nhận tại huyện Chợ Gạo, hiện thanh long ruột đỏ được các thương lái thu mua xô với giá từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng thanh long có lãi khá. Đang xếp thanh long vào giỏ để giao cho vựa, anh Hải (ấp Điền Mỹ, xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo) cho biết, do lo ngại tình hình tiêu thụ nên 5 công thanh long được anh chia thành 2 đợt xông đèn xử lý nghịch vụ.

Hiện đợt đầu tiên đã thu hoạch gần xong, đợt còn lại cũng vừa ngưng xông đèn. Ước tính, đợt xông đèn này, vườn thanh long nhà anh Hải thu hoạch được khoảng từ 5 - 6 tấn, bán xô với giá 25.000 đồng/kg. “Thanh long giá này thì có lời khá, gỡ được một phần chi phí đầu tư chăm sóc, thua lỗ vừa qua” - anh Hải chia sẻ.

Còn tại xã Song Bình, huyện Chợ Gạo, ông Tám Long đang canh tác 4 công thanh long ruột đỏ. Theo ông Long, thanh long bắt đầu tăng giá từ thời điểm kết thúc mùa thuận, cách nay cũng hơn 3 tháng. Trước Tết Nguyên đán 2023, gia đình ông xử lý nghịch vụ và bán thanh long loại xô với giá 25.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch xong, ông tiếp tục xông đèn xử lý nghịch vụ, dự kiến sẽ thu hoạch vào đầu tháng 3. “Thanh long có giá nên phải tranh thủ làm. Thanh long nằm giá này nông dân có lời cao hơn làm lúa nhiều” - ông Long cho biết.

Ông Năm Tài (xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo) cũng vừa thu hoạch 8 công thanh long ruột đỏ vào dịp cận Tết Nguyên đán 2023. Do cây ra trái nghịch vụ không đạt, chỉ thu hoạch được 9 tấn trái, bán với giá 30.000 đồng/kg, nhưng sau khi trừ chi phí, ông vẫn còn lời hơn 150 triệu đồng. Hiện ông tiếp tục xông đèn xử lý nghịch vụ thanh long, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 3.

Ông Tài bày tỏ: “Giá thanh long bây giờ vô chừng, nay giá này mai giá khác. Ở đây, nhiều người trồng thanh long đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Nếu giá thanh long mà không được như thời gian gần đây thì chắc nhiều người còn đốn bỏ nữa. Bây giờ, giá thanh long tăng trở lại nên một số người chuyển sang trồng hoa màu trước đó hiện đã quay lại trồng thanh long. Tình hình này rất là lo”.

ĐỂ CÂY THANH LONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Những năm gần đây, tình hình tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang không khả quan, đặc biệt là trong những năm dịch bệnh. Giá thanh long rất thấp, thậm chí có lúc không ai mua, người dân không có điều kiện, nguồn lực để chăm sóc. Một số vườn thanh long già cỗi nên người dân đã chặt bỏ chuyển sang các loại cây trồng khác, chủ yếu là trồng dừa lấy nước. Theo UBND huyện Chợ Gạo, lúc cao điểm, toàn huyện Chợ Gạo có trên 700 ha đốn bỏ thanh long.

Tuy nhiên, sau đó, giá dừa lấy nước giảm, giá thanh long tăng trở lại. Lúc này, một số hộ dân phá bỏ thanh long trước đó đã quay lại cây trồng này, chủ yếu là giống thanh long ruột đỏ. Đến thời điểm này, nông dân đã đầu tư lại những vườn thanh long trước đây chăm sóc cầm chừng. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện Chợ Gạo có hơn 7.000 ha thanh long.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng, tình hình tiêu thụ thanh long trên địa bàn huyện trong thời gian qua tương đối tốt. Tuy nhiên, sản lượng thanh long thu hoạch hiện không nhiều. Địa phương xác định thanh long và dừa là 2 cây trồng chủ lực của huyện. Đến thời điểm cuối năm 2022, toàn huyện có 2.180 ha thanh long được công nhận đạt chuẩn VietGAP, 200 ha đạt chuẩn GlobalGAP.

Do yêu cầu về điều kiện xuất khẩu, trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã (HTX) đã đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu. Định hướng phát triển cây thanh long của huyện là tập trung nâng cao chất lượng trái thanh long và sản xuất theo chuỗi liên kết tiêu thụ. UBND huyện đã chỉ đạo các xã tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất theo các định hướng này.

Để thực hiện định hướng này, thời gian qua, huyện Chợ Gạo đã tập trung lãnh đạo triển khai xây dựng mã vùng trồng trên cây thanh long. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện đã có 68 mã vùng trồng của các cơ sở xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác với diện tích 646 ha và 15 mã số/15 xã vùng trồng trong vùng thực hiện Đề án Phát triển cây thanh long của huyện.

Hiện huyện rất quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành tỉnh quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn huyện.

Theo UBND huyện Chợ Gạo, thời gian qua, dù địa phương đã tập trung vận động, hướng dẫn nông dân trồng thành long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mỗi chủ thể (HTX, tổ hợp tác) chỉ được nhận hỗ trợ chứng nhận VietGAP 1 lần nên việc duy trì, mở rộng diện tích và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đang gặp khó. Người dân khó có điều kiện, kinh phí để tái chứng nhận VietGAP. Diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP trên địa bàn huyện trước đây đã hết hạn vào năm 2022 khoảng 50%; số còn lại thời hạn đến năm 2023. Mặt khác, trong năm 2021, huyện đăng ký 11 tổ hợp tác sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chưa được tỉnh phê duyệt với yêu cầu đặt ra là phải thành lập HTX…

 

T. ĐẠT
 

.
.
.