Tránh phát triển "nóng" một số cây ăn quả có giá trị cao
Việc xuất khẩu chính ngạch một số loại cây ăn quả có tiềm năng của Việt Nam đang mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên cũng kéo theo bài toán “đau đầu” khi diện tích các loại quả này đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng, khả năng vượt tầm kiểm soát.
Việc phát triển nóng cây sầu riêng sẽ gây nhiều hệ lụy liên quan (Ảnh minh họa: Nhật Anh) |
Ngày 23-2, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 140/TT-CCN chỉ đạo “nóng” về việc phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành miền Nam. Công văn nêu rõ thực tế, hiện nay, tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sâu riêng….
Trước đó, tại Chỉ thị 8084/CT-BNN-TT ngày 30-11-2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã nêu lên thực trạng, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo nước ta đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức khi nhiều địa phương mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…
Thực tế, kể từ khi một số loại quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá bán tăng lên, dẫn đến một số nơi có hiện tượng đổ xô chặt hạ những cây trồng khác để chuyển sang trồng các cây có giá trị mới, đặc biệt là sầu riêng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 10 năm, nhất là vài năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2010 chỉ có 17.600ha (sản lượng 107.600 tấn), đến năm 2020 diện tích đạt 71.381ha, sản lượng 588.025 tấn.
Tính đến nay, cả nước có khoảng 90.000 ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm. Trong đó, Tiền Giang, Đắk Lắk là những địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất.
Khi sầu riêng được giá bán, diện tích sầu riêng đã có dấu hiệu tăng mạnh. Đơn cử như trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Từ năm 2020 đến nay, diện tích sầu riêng của tỉnh tăng 3.142 ha. Trong đó, diện tích tăng nhanh nhất từ cuối năm 2021 đến khoảng giữa năm 2022. Nếu cuối năm 2021, diện tích sầu riêng đạt 15.172 ha thì đến cuối năm 2022 đạt 17.652 ha.
Trong khi đó, việc tự phát tăng diện tích trồng các loại cây như sầu riêng mà không theo sự khuyến cáo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn sẽ gây rất nhiều hậu quả và hệ lụy liên quan. Đó là nguy cơ mất vốn trắng của người dân khi đổ xô trồng sầu riêng tại những vùng không có đủ điều kiện về đất đai, dẫn đến cây bị chết. Điều này đã được báo chí phản ánh nhiều trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó là hệ lụy ảnh hưởng đến nhiều ngành hàng khác khi chặt bỏ những cây khác như: hồ tiêu, cà phê…sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của các ngành hàng này.
Việc chạy theo đổ xô trồng sầu riêng còn có khả năng dẫn đến hệ lụy làm giảm chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Đồng thời, đó còn là hệ lụy khi cung vượt quá cầu, chắc chắn sẽ dẫn đến giá bán giảm, hiệu quả kinh tế không còn cao.
“Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam” – Văn bản số 140 của Cục Trồng trọt nêu rõ.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Để giảm tình trạng tăng trưởng “nóng” diện tích một số cây trồng như hiện nay, đặc biệt là cây sầu riêng, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084/CT-BNN-TT về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý. Đồng thời, thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng của cây trồng.
Thực tế đã có nhiều bài học đắt giá khi tự phát tăng diện tích cây trồng không theo sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Việc chặt bỏ- trồng - chặt bỏ vẫn sẽ mãi là điệp khúc quen thuộc với nhiều hệ lụy liên quan nếu như chúng ta không tránh được việc sản xuất theo phong trào, theo số đông./.
Theo dangcongsan.vn