Giúp nhau vượt khó, vươn lên làm giàu
Những năm qua, Chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” (gọi tắt là Chuyên đề) được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Tiền Giang triển khai sâu rộng có hiệu quả, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên, nông dân (HVND) tham gia. Từ đó, xuất hiện nhiều nhân tố mới với tinh thần cần cù, sáng tạo, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng.
HỖ TRỢ VỐN, KỸ THUẬT…
Để Chuyên đề đi vào cuộc sống, công tác tuyên tuyền, vận động luôn được các cấp Hội quan tâm và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên. 4.625 cuộc tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, qua bản tin, trang website của Hội, qua các hội thi, tọa đàm, đối thoại… có hơn 140 ngàn lượt hộ nông dân tham gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng cho các cá nhân có thành tích trong thực hiện Chuyên đề giai đoạn 2019 - 2022. |
Đi đôi với công tác tuyên truyền, các hoạt động hỗ trợ thực hiện Chuyên đề cũng được cấp Hội, các ngành liên quan quan tâm qua công tác đào tạo nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư đầu vào trong sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ mới, kiến thức quản trị, tổ chức sản xuất, thị trường, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Hội còn phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, giúp các hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng các mô hình sản xuất, thu hút, phát triển Chuyên đề bằng việc thành lập Chi hội Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hội quán, chi tổ hội nghề nghiệp, tổ liên kết nuôi ếch, tổ liên kết sản xuất lúa theo Cánh đồng lớn… với hàng ngàn HVND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tham gia, góp phần đẩy mạnh Chuyên đề ở địa phương.
Nhiều hộ nông dân đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực tham gia “chuyển đổi số trong nông nghiệp”, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình.
CÙNG GIÚP NHAU PHÁT TRIỂN
Bên cạnh đó, Chuyên đề khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xóa khó giảm nghèo, tạo việc làm. Cụ thể đã tạo việc làm cho hơn 4.200 lao động, trong đó có trên 2.500 lao động có việc làm ổn định. Cùng với đó, các HVND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp đỡ cho gần 2.500 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 20 tỷ đồng; trên 1.200 HVND thoát nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả; đóng góp xây dựng hàng trăm căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, Mái ấm nông dân và giúp cho trên 1.000 hộ nghèo có thêm nguồn lực để mở rộng mô hình, phát triển sản xuất.
Bình quân hằng năm, số lượng hộ đăng ký danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp là 120 ngàn hộ, chiếm 60,14% so với tổng số hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng số HVND được công nhận danh hiệu “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp giai đoạn 2019 - 2021 và năm 2022 là 244.612 hộ, chiếm 58,19% số hộ đăng ký. So với giai đoạn 2016 - 2018, số hộ đạt danh hiệu “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp tăng hơn 3.116 hộ (tăng 8,29%). Số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 2,7 lần và số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 1,8 lần. |
Từ đó xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, giúp đỡ HVND vượt qua khó khăn trong cuộc sống, ổn định sản xuất, như: Hộ ông Đỗ Văn Sum (TX. Cai Lậy), nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng mô hình sản xuất lúa tiên tiến nên lúa đạt năng suất cao.
Đến nay, ông Sum mở rộng quy mô canh tác lúa theo mô hình sản xuất trên thêm 2,6 ha đất. Hay hộ ông Võ Văn Lâm (huyện Gò Công Tây) cần cù, ham học hỏi, vượt qua khó khăn, đến nay đã có cuộc sống ổn định từ nghề chăn nuôi bò. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ bán bò thịt và bò giống cho lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Toàn cho biết, nhiều năm qua, Chuyên đề được Hội triển khai tích cực và hiệu quả. Không chỉ khích lệ, thúc đẩy HVND phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho xã hội, mà đã khích lệ, động viên HVND sản xuất, kinh doanh giỏi phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật, tạo việc làm... giúp đỡ các hộ còn nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo, giúp nhau cùng làm giàu.
Đồng thời, có thể khẳng định trong thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nhưng Chuyên đề tiếp tục thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, kinh tế - xã hội… tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.
LÊ MINH