Thứ Năm, 23/03/2023, 14:59 (GMT+7)
.

Đồng Tháp cam kết cung cấp 7,4 triệu mét khối cát để làm đường cao tốc

Trước tình hình thiếu hụt cát sông hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rà soát, huy động nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án cao tốc.

Hầu hết các dự án xây dựng cao tốc hiện nay đều bị tình trạng thiếu vật liệu xây dựng như đất, cát, đá. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Hầu hết các dự án xây dựng cao tốc hiện nay đều bị tình trạng thiếu vật liệu xây dựng như đất, cát, đá. Ảnh minh hoạ: TTXVN

UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đối với công trình cao tốc thì Đồng Tháp cam kết cung cấp 7,4 triệu m3 cát; trong đó có hai tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là Cao Lãnh – An Hữu và Mỹ An – Cao Lãnh, tổng cộng khoảng 5,5 triệu m3.

Tỉnh sẽ tăng công suất khai thác mỏ cát hiện có thêm được 400.000 m3 và mở 2 mỏ khai thác cát mới với trữ lượng khoảng 1,5 triệu m3. Như vậy, tổng cộng 1,9 triệu m3 này Đồng Tháp sẽ cung cấp cho dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Trong năm 2023, Đồng Tháp thực hiện gia hạn 14 giấy phép khai thác cát với trữ lượng khoảng 1 triệu m3 và thời gian được gia hạn tới 30-6-2023. Nhu cầu về cát cho các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023 là gần 20 triệu m3. Hiện tình hình cát trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm nên việc phân bổ nguồn vật liệu này phải theo danh mục thứ tự ưu tiên cho dự án Trung ương giao, đến công trình trọng điểm của tỉnh và công trình phòng, chống sạt lở.

Trước đó, trong năm 2022, Đồng Tháp cấp mới và gia hạn 17 giấy phép khai thác cát với trữ lượng gần 8 triệu m3, chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu thực tế của tỉnh vì đối với công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh, nhu cầu về cát khoảng 16 triệu m3. Thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Tháp còn chỉ đạo ưu tiên cung ứng cát cho công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ gần 1,3 triệu m3.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã tiến hành thăm dò trữ lượng cát, tích hợp đưa vào quy hoạch của tỉnh đến năm 2050, trữ lượng cát ở Đồng Tháp khoảng 33 triệu m3. Trữ lượng cát trên sông Tiền và sông Hậu ngày càng giảm dần, các khu mỏ được cấp giấy phép khai thác đến nay trữ lượng còn lại trong từng khu mỏ rất ít và thực tế một số giấy phép (mỏ cát) đã hết trữ lượng, đạt cao trình cho phép theo quy hoạch đã phải dừng khai thác. Các giấy phép đủ điều kiện được UBND tỉnh cấp phép gia hạn khai thác cũng sẽ giảm dần trữ lượng trong thời gian tới.

Trước tình hình thiếu hụt cát sông hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (kể cả các tỉnh không có dự án đi qua) rà soát, huy động nguồn vật liệu san lấp để cung cấp đáp ứng nhu cầu chung trong khu vực, hoặc cục bộ trong thời gian ngắn hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các cao tốc của Trung ương.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương làm việc với UBND các tỉnh có dự án của Trung ương đi qua địa bàn, có trách nhiệm rà soát (cấp mới, cấp lại giấy phép khai thác cát, đất), đảm bảo nguồn vật liệu cung ứng phục vụ công trình qua trên địa bàn tỉnh mình.

Đồng Tháp cũng đề xuất cần đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt (cát đồi, các nhiễm mặn, xỉ than….) để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp; rà soát, giảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu san lấp, nhằm giảm áp lực phải cung cấp cát nước ngọt.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.