Gò Công Đông hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao
Trong năm qua, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được những kết quả nổi bật. Từ kết quả đạt được, huyện phấn đấu đạt các chỉ tiêu huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao vào cuối năm 2024.
CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Năm 2022, mặc dù gặp không ít khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng huyện Gò Công Đông đã đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, trong năm qua, tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, cao hơn 1,5% so với kế hoạch đề ra; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được 121,154 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, còn 1,09% (thấp hơn 0,91% so với kế hoạch); giải quyết việc làm cho 2.700 lao động. Trong năm, huyện thu hút 55.330 lượt khách đến tham quan, du lịch.
Lãnh đạo tỉnh và huyện Gò Công Đông tham gia nghi thức khánh thành công trình đường huyện 05. |
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tiếp tục chuyển biến tích cực. Hầu hết hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường, ổn định và phát triển tốt. Theo đó, giá trị tổng sản lượng toàn ngành đạt 277 tỷ đồng; tổng mức hàng hóa bán lẻ đạt 714 tỷ đồng. 2 tháng qua, huyện có 5 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 275 doanh nghiệp. Về khai thác biển, các tàu cá bắt đầu ra khơi, sản lượng khai thác đạt 2.290 tấn, lũy kế 9.830 tấn.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương thời gian qua; đồng thời, yêu cầu huyện tiếp tục phát huy tinh thần vượt khó của năm 2022, quyết tâm cao để hoàn thành đạt, vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ của năm 2023. Đồng chí cũng thống nhất với huyện chậm nhất là cuối năm 2024 huyện sẽ ra mắt huyện NTM nâng cao. |
Công tác xây dựng NTM luôn được sự quan tâm từ huyện đến cơ sở. Kết quả trong năm qua, 11/11 xã của huyện đều giữ vững 19/19 tiêu chí NTM; trong đó, có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Bình Nghị, Tân Tây và Tân Đông). Đầu năm 2023, xã Tăng Hòa ra mắt NTM nâng cao, nâng toàn huyện có 4/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ NTM nâng cao xã Tân Thành; hướng dẫn 3 xã: Bình Ân, Tân Phước, Gia Thuận xây dựng kế hoạch, lộ trình xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2023 - 2025.
PHẤN ĐẤU ĐẠT CHUẨN NTM NÂNG CAO VÀO NĂM 2024
Trong năm 2023, huyện tập trung xây dựng 2 xã NTM nâng cao là Tân Phước, Bình Ân; đồng thời, ra mắt xã NTM nâng cao Tân Thành (còn nợ trong năm 2022). Về tiến độ xây dựng huyện NTM, đến nay huyện đạt 3/9 tiêu chí NTM nâng cao của Bộ tiêu chí mới.
Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Sơn cho biết, đến thời điểm này, về vốn đầu tư xây dựng NTM, huyện đã trao đổi với các sở, ngành tỉnh đưa vào một số danh mục công trình đầu tư công. Trước mắt, huyện tập trung thực hiện những tiêu chí mềm, còn các công trình liên quan đến vốn do tỉnh hỗ trợ, huyện chờ các sở, ngành thống nhất các danh mục để thực hiện. Huyện phấn đấu đạt các chỉ tiêu huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2024, tổ chức Lễ công bố huyện NTM nâng cao vào năm 2025.
Huyện Gò Công Đông có thế mạnh phát triển kinh tế biển. |
Theo UBND huyện Gò Công Đông, để huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024 - 2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã sơ bộ thống nhất với UBND huyện một số danh mục công trình cần phải đầu tư. Huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét đưa các danh mục công trình trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cho lập đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng trong năm 2023 - 2024 các công trình như: Đường huyện 01; kinh cấp và kinh xổ thuộc Dự án Thủy sản Bắc Gò Công; hệ thống thoát nước đường huyện 03; đường huyện 02 nối dài, 3 cầu; hệ thống đèn chiếu sáng đường huyện 07, 08, 08B, 09, 10 và tuyến đê biển; đường huyện 05B nối dài; Quy hoạch xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗn hợp sản xuất. Huyện kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương triển khai lập Quy hoạch chung xã và Quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tại các xã.
Bên cạnh đó, huyện kiến nghị UBND tỉnh sớm đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải khu vực phía Đông; hỗ trợ đầu tư nạo vét kinh cặp đê (cặp sông Soài Rạp qua địa bàn xã Tân Phước, Gia Thuận, Kiểng Phước và thị trấn Vàm Láng). Đồng thời, cho đầu tư công trình khu neo đậu tránh trú bão rạch Long Uông thay thế khu neo đậu tránh trú bão Đèn Đỏ…
Huyện cũng đề xuất UBND tỉnh đôn đốc các nhà đầu tư đã được giao cho thuê đất, thống nhất chủ trương đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện; hỗ trợ huyện kêu gọi đầu tư xây dựng Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp vào Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, 2…
Đối với đề xuất các công trình đầu tư xây dựng huyện NTM nâng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, vốn đầu tư công cho huyện là 362,3 tỷ đồng, đầu tư 22 công trình, trong đó có một số dự án huyện đã đề xuất, đề nghị huyện hoàn tất thủ tục hồ sơ, còn trình tự thực hiện các công trình thì giao huyện tính toán, sau đó triển khai thực hiện.
Đồng chí cũng thống nhất chủ trương triển khai lập Quy hoạch chung xã và Quy hoạch các điểm dân cư nông thôn tại các xã Tân Điền, Kiểng Phước, Phước Trung, Gia Thuận, giao Sở Tài chính xem xét, phân bổ nguồn vốn thực hiện. Đồng thời, thống nhất chủ trương công trình khu neo đậu tránh trú bão rạch Long Uông, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát lại vị trí… Ngoài ra, đồng chí còn yêu cầu huyện cần nghiên cứu, phát huy cao nhất thế mạnh vị trí đặc thù, tập trung phát triển kinh tế biển...
LÝ OANH