Hoạt động ủy thác góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội
(ABO) Sáng 13-3, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh) phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tỉnh Tiền Giang) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động ủy thác cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2022; bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; lãnh đạo 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh; các đơn vị trực thuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh…
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Dương Văn Hoàng điều hành thảo luận tại hội nghị. |
Đánh giá tại hội nghị cho thấy, trong năm 2022, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng Ngân hàng Chính xách xã hội thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tăng so với năm 2021.
Cụ thể, trong năm 2022, triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ và thực hiện ủy thác thêm chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến ngày 31-12-2022, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là 3.607,151 tỷ đồng (chiếm 99,59% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội); tăng 570,962 tỷ đồng so với năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 18,81%.
Quang cảnh hội nghị. |
Trong đó, dư nợ ủy thác thông qua Hội Nông dân tỉnh chiếm 44,13%, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chiếm 35,23%, Hội Cựu Chiến binh tỉnh chiếm 12,09%, Đoàn Thanh niên chiếm 8,55%. Tổng doanh số cho vay theo phương thức ủy thác đạt 1.312,447 tỷ đồng (chiếm 94,94% tổng doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội)...
Nguồn vốn chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Dương Văn Hoàng phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cho biết, nguồn vốn chính sách kết hợp với sự hỗ trợ về đào tạo nghề, khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp cho hội viên, đoàn viên có cơ hội thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hoạt động ủy thác đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, qua đó góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2023, đặc biệt là giải ngân các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng; chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện để kịp thời khắc phục các tồn tại, sai sót nhằm đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng quy định.
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội; động viên, khích lệ, phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, tạo tâm lý tự tin, ý chí thoát nghèo để người nghèo, đối tượng chính sách mạnh dạn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng vốn, hoàn trả vốn vay...
HOÀI THU