.

Huyện Chợ Gạo: Chú trọng phát triển vùng chuyên canh thanh long

Cập nhật: 15:12, 09/03/2023 (GMT+7)

Theo quy hoạch, vùng trồng cây thanh long của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trên 7.500 ha. Qua thực hiện Nghị quyết 03 ngày 22-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI về tiếp tục lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây thanh long đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đến nay toàn huyện có 6.913 ha thanh long, trong đó có 5.700 ha cho sản phẩm.

Để tạo thuận lợi cho sản xuất thanh long, bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện đã thực hiện các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng thanh long; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư; hệ thống lưới điện được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đảm bảo phục vụ việc xông đèn ra hoa trái vụ trên thanh long. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp xây dựng mô hình dùng đèn compact thay thế đèn sợi đốt để xông thanh long ra hoa trái vụ nhằm giúp nhà vườn tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập…

Các xã trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã có hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 73 cơ sở chuyên thu mua, sơ chế thanh long; trong đó có 26 cơ sở có xây dựng kho lạnh để bảo quản thanh long.

Huyện cũng đăng ký, được cấp 15  mã vùng trồng xuất khẩu thanh long của huyện Chợ Gạo sang Trung Quốc cho 15 xã trồng thanh long trên địa bàn huyện và 135 mã số cơ sở đóng gói thanh long của huyện Chợ Gạo sang Trung Quốc phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản.

Giá thanh long hiện nay có phần giảm so với thời điểm trước và trong tết, nhưng đã ổn định hơn trước. Giá thanh long xông đèn ruột trắng từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg, ruột đỏ từ 17.000 đến 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có thu nhập khá.

Theo đánh giá, việc phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây thanh long mang lại những kết quả phấn khởi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, chuyển từ đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng thanh long.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được huyện rất quan tâm, góp phần tăng năng suất, sản lượng, từ thu nhập của người dân tăng lên.

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và bền vững. Ông Huỳnh Văn Hừng (xã Quơn Long) cho biết, khi chuyển đổi sang trồng thanh long, ông rất phấn khởi bởi Nhà nước đã đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất.

Hiện nay, huyện rất quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành tỉnh quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn huyện. Mặt khác, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân duy trì và giữ vững diện tích cây thanh long; bởi thanh long là một trong hai cây trồng chủ lực của huyện.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Nguyễn Hồng Hữu cho biết, thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung công tác tuyên truyền cho nông dân trồng thanh long tiếp tục duy trì diện tích, do huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho Đề án và thị trường tiêu thụ rộng mở. Ngành chuyên môn tập trung thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung thực hiện sản xuất thanh long theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP...

NGỌC DUYÊN

.
.
.