Thứ Sáu, 03/03/2023, 10:09 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Đông: Đánh thức tiềm năng du lịch

Ngoài thế mạnh nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang còn có tiềm năng phát triển du lịch biển kết hợp di tích lịch sử văn hóa.

NÂNG CẤP HẠ TẦNG, KHAI THÁC THẾ MẠNH

Huyện Gò Công Đông có Khu du lịch biển Tân Thành, Điểm du lịch vườn táo Sáu Hồi, 1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 13 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (trong đó, có 5 di tích du khách thường xuyên đến tham quan).

Ngoài các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như cồn Ông Mão, khu hàng dương, bãi biển Tân Thành, huyện còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn phòng hộ phân bổ ven biển và gần các cửa sông Soài Rạp, Cửa Tiểu với nhiều hệ động - thực vật sinh sống. Đây là những lợi thế đặc trưng, tạo thuận lợi cho huyện phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng.

Du khách tham quan  tại biển Tân Thành.
Du khách tham quan tại biển Tân Thành.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành được UBND tỉnh phê duyệt diện tích 80,36 ha và đã có 1 dự án triển khai với diện tích 11,7 ha, đến nay cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và đưa vào hoạt động.

Huyện cũng đã và đang đầu tư cải tạo một số di tích phục vụ cho du lịch như: Đang triển khai Dự án mở rộng Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (khu vực II) giai đoạn 2 tại xã Gia Thuận; hoàn thành việc trùng tu Đền Tân Đông; Di tích mộ ông Nguyễn Ngọc Chấn (xã Tân Tây); sửa chữa, nâng cấp Đài Chiến sĩ - Xóm Dinh (xã Tân Đông) và nâng cấp, chỉnh trang Bia Chiến thắng Xóm Gò (xã Tăng Hòa).

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng G.C Phi Long đã được UBND tỉnh phê duyệt các hạng mục xây dựng Khu Du lịch sinh thái Gò Công tại ấp Thanh Nhung I, xã Phước Trung với diện tích 16.900 m2 gồm 13 hạng mục công trình, với tổng số vốn đầu tư đến nay trên 100 tỷ đồng, chuẩn bị đi vào hoạt động.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành việc cứng hóa mặt đê biển, kè mái đê biển, đê chắn sóng và hoàn thành Dự án Điện gió Tân Phú Đông 2 trên địa bàn xã Tân Thành, khách tham quan đến Khu du lịch biển Tân Thành ngày càng nhiều; trung bình hằng tuần đón tiếp trên 1.000 lượt khách.

Theo thống kê, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhất là trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ 30-4 và 1-5, lượng khách đến với Khu du lịch biển Tân Thành và địa bàn Gò Công Đông tăng lên đáng kể. Theo UBND huyện Gò Công, đến hết tháng 9-2022 có 89.050 lượt khách đến Khu du lịch biển Tân Thành, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 77.730 lượt khách.

Khách du lịch đến huyện đa số là từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào các ngày cuối tuần, lễ, tết… để nghỉ ngơi và thưởng thức các món đặc sản vùng biển. Các địa điểm du khách thường đến là bãi biển Tân Thành, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Gia Thuận), Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Vàm Láng), Đình Tân Đông, Điểm du lịch vườn táo Sáu Hồi (xã Tân Thành)…

TĂNG CƯỜNG QUẢNG BÁ, KẾT NỐI TOUR, TUYẾN

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, song hiệu quả từ hoạt động du lịch của huyện chưa tương xứng với tiềm năng; công tác mời gọi đầu tư, xúc tiến du lịch, quảng bá thương hiệu còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường một số nơi xuống cấp nhưng chậm được khắc phục; các điểm, khu du lịch, quán ăn chưa chú trọng trong việc nâng cao và duy trì chất lượng dịch vụ.

Việc liên kết hợp tác và có chính sách thu hút các công ty du lịch đưa khách du lịch đến Gò Công Đông chưa được phát huy tốt. Để thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh của huyện đến du khách, UBND huyện đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng quảng bá vùng đất, con người, đặc sản của huyện Gò Công Đông; phối hợp với công ty lữ hành du lịch khảo sát hình thành tour, tuyến du lịch.

Cùng với đó, huyện đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát triển mạnh dịch vụ du lịch, như tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử của huyện; nâng cao chất lượng, hiệu quả các điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách đến tham quan, du lịch.

Cùng với đó, huyện tăng cường mời gọi đầu tư, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức, để góp phần thu hút khách du lịch đến huyện; kêu gọi đầu tư dự án nhằm khai thác phát triển du lịch biển. Huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết hợp tác và có chính sách thu hút các công ty du lịch đưa khách du lịch đến biển Gò Công Đông.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phục vụ cho việc kết hợp phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch, nhất là các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch trên tuyến đê biển.

Bên cạnh đó, để ngành du lịch Gò Công Đông phát triển mạnh mẽ, huyện đề nghị tỉnh xây dựng hệ thống nước ngọt dẫn đến Khu du lịch biển Tân Thành; sửa chữa, nâng cấp cầu bộ hành ra biển phục vụ du khách tham quan; tiếp tục tạo điều kiện và cho chủ trương nghiên cứu, triển khai Dự án Khu đô thị kết hợp ở và nghỉ dưỡng Gò Công Đông tại xã Tân Thành với diện tích 38 ha.

LÝ OANH

 

.
.
.