Thứ Bảy, 04/03/2023, 08:42 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phú Đông: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thời gian qua, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang chú trọng sử dụng các giống cây trồng thích hợp với đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu, được cụ thể hóa bằng Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án).

Theo đó, cây mãng cầu Xiêm và cây sả được nông dân trong huyện ưu tiên lựa chọn do thích hợp với thổ nhưỡng cù lao, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, một số loại rau màu thực phẩm cũng được nông dân lựa chọn với tổng diện tích gần 200 ha, tập trung ở các xã như Phú Tân, Phú Thạnh, Phú Đông. Còn một số giống cây ăn trái khác như ổi, bưởi da xanh… được trồng tập trung tại các xã Tân Phú, Tân Thạnh, Tân Thới, với tổng diện tích 320 ha.

Tiếp tục thực hiện Đề án, trong năm 2022, nông dân huyện Tân Phú Đông đã duy trì và mở rộng diện tích trồng sả với 3.774 ha, tăng hơn 970 ha so với năm 2021. Trong năm qua, giá sả ổn định, từ 4.000 đồng đến 4.500 đồng/kg, người trồng sả thu lợi nhuận khá, góp phần ổn định đời sống. Tuy nhiên, trong khi cây sả ngày càng mở rộng diện tích, thì cây mãng cầu Xiêm giảm diện tích đáng kể, do giá bán không ổn định. Hiện diện tích mãng cầu xiêm đã giảm hơn 500 ha so với những năm đầu mới thành lập huyện.

Nông dân xã Phú Tân chăm sóc cà chua.
Nông dân xã Phú Tân chăm sóc cà chua.

Việc định hướng phát triển sản xuất mãng cầu Xiêm hiện gặp nhiều khó khăn, cần có những giải pháp tích cực để khôi phục phát triển cây trồng chủ lực này. Vấn đề đặt ra là huyện cần tập trung củng cố nâng chất mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất mãng cầu Xiêm hoặc liên doanh sản xuất để bảo đảm sản phẩm hàng hóa cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Các ngành chức năng hướng dẫn nhà vườn thực hiện quy trình sản xuất mãng cầu Xiêm theo hướng nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thông qua các điểm trình diễn, tập huấn, hội thảo kỹ thuật canh tác mãng cầu Xiêm đạt hiệu quả kinh tế cao…

Đối với cây sả, các cấp, các ngành chức năng ở huyện cần tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà khoa học để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua xây dựng các cơ sở sản xuất nguyên liệu, chiết xuất tinh dầu sả, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp huyện cần phối hợp với các ngành có liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, bên cạnh 2 cây trồng chính là sả và mãng cầu Xiêm, nông dân huyện Tân Phú Đông còn chú trọng mở rộng diện tích các loại rau màu lương thực, thực phẩm, góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Vấn đề đang đặt ra hiện nay là các cấp, các ngành chức năng cần quan tâm công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho nông sản hàng hóa. Các yêu cầu về diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng được bảo đảm cộng với giá bán nông sản ổn định là các yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án.

Theo nhiều nông dân xã Phú Thạnh và Phú Đông, đối với những khu vực gò cao, thường xuyên thiếu nước tưới, nông dân sản xuất 2 vụ sả/năm; khu vực có nguồn nước tương đối thuận lợi thì mỗi năm sản xuất 1 vụ sả và 1 vụ màu.

Bên cạnh cây sả, hiện nay, nhiều nông dân còn thực hiện mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng như ớt, khoai lang, dưa, cà, bầu bí…; trồng chuyên canh hoặc xen canh các loại rau màu, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

HỮU DƯ

 

.
.
.