Huyện Tân Phước: Tạo nền tảng xây dựng huyện nông thôn mới
Thời gian qua, Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế huyện Tân Phước tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo nền tảng để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2024.
KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẠT KẾT QUẢ KHẢ QUAN
Thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư kịp thời, hiệu quả góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng thời thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Cụ thể, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn huyện năm 2022 khoảng 243,7 tỷ đồng (bao gồm cả vốn tỉnh, vốn huyện, vốn mục tiêu NTM…) và huyện đã triển khai thực hiện 64 công trình. Ngoài các công trình trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi… đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, đáng chu ý có một số công trình giao thông trọng điểm, có tác động lớn đến khả năng phát triển của huyện.
Đặc biệt là công trình nâng cấp, láng nhựa và lát đan vỉa hè các đường trong cụm dân cư, khu phố chợ Tân Phước đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, giúp cho bộ mặt thị trấn Mỹ Phước ngày càng khang trang, hướng tới đạt chuẩn đô thị văn minh thời gian tới. Đến nay, thị trấn Mỹ Phước đã đạt 5/9 tiêu chí đô thị văn minh
Xã Tân Hòa Đông là 1 trong 3 xã cuối cùng của huyện Tân Phước đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 11/11 xã (đạt 100%). |
Công tác xây dựng NTM, NTM nâng cao được huyện quan tâm, tập trung thực hiện. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, cuối năm 2022, Tân Lập 1 ra mắt xã đạt chuẩn NTM. Đầu năm 2023, 2 xã còn lại của huyện là Tân Hòa Đông và Phước Lập cũng đã ra mắt xã đạt chuẩn NTM; xã Tân Lập 2 đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn NTM và 3/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Qua xây dựng NTM, hộ nghèo của huyện tiếp tục được kéo giảm, đến nay toàn huyện còn 2,18% hộ nghèo (nghị quyết 2,3%).
Trong 2 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của huyện Tân Phước tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện đến nay đạt 2.493/17.100 tỷ đồng, đạt 14,5% so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội, đến nay thực hiện được 1.400/5.490 tỷ đồng, đạt 25,5% so kế hoạch.
HƯỚNG ĐẾN HUYỆN NTM
Trong năm 2023, huyện Tân Phước không có xã thuộc danh sách được UBND tỉnh phê duyệt phấn đấu ra mắt NTM nâng cao hay NTM kiểu mẫu. Dù vậy, ngay từ đầu năm 2023, Huyện ủy, UBND huyện Tân Phước đã triển khai các kế hoạch nâng chất và thực hiện các tiêu chí huyện NTM. Đảng bộ và chính quyền huyện Tân Phước xác định Tân Phước phấn đấu hoàn thành và ra mắt huyện NTM vào ngày 27-8-2024.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong, để thực hiện đạt mục tiêu trên, UBND huyện xây dựng lộ trình triển khai thực hiện các công trình phục vụ huyện NTM trình UBND tỉnh xem xét để huyện được chuẩn bị hồ sơ các công trình để đủ điều kiện khởi công trong năm 2023 và những năm tiếp theo phục vụ huyện NTM.
Theo đó, huyện Tân Phước có nhu cầu đầu tư nhiều công trình xây dựng huyện NTM, như 2 dự án phục vụ tiêu chí Giáo dục, 1 dự án phục vụ y tế, 3 dự án phục vụ tiêu chí liên quan đến thể dục thể thao, 5 dự án phục vụ tiêu chí Giao thông, 1 dự án phục vụ tiêu chí hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện tại, giải ngân vốn đầu tư công được hơn 59,8/165,2 tỷ đồng, đạt 36,2% so với kế hoạch. Các công trình khởi công mới đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt, chưa giải ngân vốn.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị các phòng chuyên môn trực thuộc UBND huyện Tân Phước phải làm tốt công tác tham mưu trong thực hiện các công trình phục vụ xây dựng NTM. Cùng với đó, UBND huyện và các phòng chuyên môn phải chủ động, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh, phát huy tinh thần vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các mục tiêu năm 2023 và cao hơn năm 2022. |
Bên cạnh xây dựng huyện NTM, việc triển khai các dự án kinh tế trên địa bàn cũng được huyện quan tâm chú trọng. Huyện đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng công nghiệp khu vực Đông - Nam Tân Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 4.082,17 ha để làm cơ sở mời gọi đầu tư, vì hiện tại một số dự án không còn phù hợp với quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
UBND huyện Tân Phước cũng đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu 200 ha tại thị trấn Mỹ Phước để mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp khác; điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 khu chăn nuôi và các dịch vụ hậu cần chăn nuôi với quy mô 180,3 ha tại xã Thạnh Hòa để mời gọi đầu tư theo mục tiêu điều chỉnh.
Bện canh đó, huyện tiếp tục phối hợp xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư vào huyện Tân Phước theo quy hoạch và các danh mục dự án như: Khu công nghiệp Tân Phước 1, Tân Phước 2, khu 200 ha tại xã Thạnh Hòa, khu 200 ha tại thị trấn Mỹ Phước, Dự án Khu phố chợ Tân Lập… Cùng với đó, UBND huyện cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tổ chức vùng đệm Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và nâng cấp, sửa chữa các tỉnh lộ 867, 865 trên địa bàn đã xuống cấp để huyện có điều kiện thuận lợi khai thác các tiềm năng của huyện.
Đối với đề xuất lộ trình xây dựng các công trình phục vụ huyện NTM, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đề nghị UBND huyện Tân Phước sớm hoàn tất thủ tục các dự án gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh bố trí thực hiện. UBND huyện và các đơn vị trực thuộc tập trung thực hiện công tác xây dựng NTM, quyết tâm đến tháng 6-2024 hoàn chỉnh hồ sơ huyện NTM.
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cũng đề nghị UBND huyện Tân Phước và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao đổi để có giải pháp cụ thể phù hợp thực tế về tổ chức vùng đệm Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. Đồng thời, giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa các tỉnh lộ trên địa bàn huyện Tân Phước.
CAO THẮNG