Nâng tầm đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long
Xây dựng, phát triển thương hiệu thông qua bảo hộ, tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý là giải pháp hữu hiệu tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm hàng hóa. Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nhiều đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Thu hoạch xoài ở phường 3, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN |
Xây dựng, phát triển thương hiệu
Theo ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại TP Hồ Chí Minh, thương hiệu mang trong nó các yếu tố từ kinh tế, văn hoá, xã hội đến tập quán, truyền thống lịch sử và hiện tại, được chuyển tải đến người tiêu dùng, công chúng thông qua truyền thông, được ưa chuộng bằng niềm tin giá trị, bằng các cam kết về uy tín, chất lượng.
Thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, gia tăng giá trị, tạo dựng uy tín, danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản. Các thương hiệu đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long như nước mắm Phú Quốc đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở 28 quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản phẩm xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada….Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) có giá bán tăng hơn khoảng 20% so với trước khi được cấp nhãn hiệu tập thể
Liên quan đến xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu ở Đồng bằng sông Cửu Long- vựa lúa gạo, trái cây, thủy hải sản của cả nước, đại diện Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, giai đoạn năm 2018-2022, toàn vùng có gần 9.870 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, trên 5.800 văn bằng (nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý... ) được cấp.
Việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của doanh nghiệp, nhất là chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm đặc sản địa phương tiếp tục được duy trì, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các địa phương đã xác định danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản của địa phương và tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo được giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp.
Các, tỉnh, thành phố ban hành nhiều văn bản liên quan đến quản lý tài sản trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm chủ lực trong vùng như: bưởi da xanh Bến Tre, dừa xiêm xanh Bến Tre, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), tôm sú, cua Cà Mau, nước mắm Phú Quốc, gạo một bụi đỏ Hồng Dân ( Bạc Liêu), khóm Cầu Đúc (Hậu Giang)...
Giai đoạn 2018 - 2022, toàn vùng có gần 9.870 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ và đã có trên 5.800 trường hợp được cấp văn bằng (nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý...)
Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau thông tin, giai đoạn năm 2018-2022, thực hiện Chương trình bảo hộ và phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, Cà Mau đã xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, phát triển thương hiệu đối với 26 sản phẩm phẩm đặc sản, đặc thù qua các chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Trong số đó thể kể đến các đặc sản như mật ong U Minh Hạ, cá khô bổi U Minh, tôm khô Rạch Gốc, cua Năm Căn, mắm lóc Thới Bình, bồn bồn Cái Nước, cá thòi lòi Đất Mũi, tôm sú Cà Mau, cua Cà Mau...
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre thông tin, trong 4 năm 2018-2022, đơn vị hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn cho trên 280 lượt cá nhân, tổ chức tìm hiểu, thực hiện hồ sơ về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức tập huấn về lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu cho các đặc sản địa phương làng nghề du lịch, khai thác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù Bến Tre.
Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện các dự án như xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Bến Tre" cho sản phẩm tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm; tổ chức nghiệm thu dự án Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cái Mơn" dùng cho sản phẩm sầu riêng Bến Tre... Tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Tạo sự phát triển bền vững
Thu hoạch dừa hữu cơ ở xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. Ảnh Công Trí/TTXVN |
Để hoạt động tạo lập, đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc cấp các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đạt hiệu quả cao hơn, góp phần phát triển bền vững các thương hiệu, cần nhiều giải pháp đồng bộ của các ngành, địa phương cũng như chính các chủ thể sở hữu thương hiệu.
Theo ông Trần Giang Khuê, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại Tp. Hồ Chí Minh, điều quan trọng trong xây dựng và phát triển thương hiệu là phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đối với đặc sản địa phương chính là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Nếu chất lượng sản phẩm đặc sản không đồng đều, thiếu ổn định sẽ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, tác động xấu đến thương hiệu chung của đặc sản.
Theo ông Trần Giang Khuê, đối với xây dựng thương hiệu cho các đặc sản Đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các đặc sản địa phương, đặc biệt là quy định về quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý và các quy định về biểu tượng chung cho đặc sản.
Các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ thành lập, nâng cao năng lực cho các tổ chức tập thể - đại diện quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương để quản lý, khai thác, phát triển thương hiệu chung của địa phương, vùng miền. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, cho đặc sản địa phương nói riêng để nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản yên tâm đầu tư, sản suất, kinh doanh, tránh hiện tượng hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Các nhà sản xuất, kinh doanh cần tập trung tổ chức sản xuất, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể... để đưa sản phẩm cuối cùng ra thị trường. Theo đó, không bán hàng thô, hàng nguyên liệu mà bán sản phẩm có gắn nhãn mác hay thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền và quốc gia. Đồng thời, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường và giúp giải quyết các sản phẩm tồn đọng, tránh tình trạng được mùa, rớt giá.
Liên quan giải pháp phát triển, gìn giữ thương hiệu đói với các đặc sản thuộc chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý quốc gia Chương trình OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) đề xuất: Các bộ, ngành chức năng cần phối hợp xây dựng tài liệu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm OCOP, triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP gắn với khai thác tài sản sở hữu trí tuệ. Các địa phương đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các chủ thể OCOP, hỗ trợ các đơn vị có sản phẩm OCOP khai thác các thương hiệu cộng đồng (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận), xây dựng kế hoạch hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, khai thác các giá trị văn hóa để phát triển thương hiệu sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, thực hiện các giải pháp phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản cần chú trọng đến vai trò doanh nghiệp, phát triển thương hiệu cần gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tập thể và người dân. Bến Tre đã và đang phát triển các chuỗi giá trị gắn với đăng ký bảo hộ, phát triển thương hiệu như: chuỗi cây dừa, bưởi, con tôm, nghêu, bò… Để phát triển các chuỗi giá trị, khẳng định thương hiệu, tỉnh chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản, nâng cao giá trị, tạo sự phát triển bền vững các thương hiệu đặc sản.
(Theo https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/nang-tam-dac-san-dong-bang-song-cuu-long-20230304162733673.htm)