Thứ Ba, 28/03/2023, 22:36 (GMT+7)
.

Nhiều điểm sạt lở lớn, phức tạp ở Tiền Giang ảnh hưởng đến đời sống người dân

Hiện nay, do sạt lở ngày một nghiêm trọng, việc đi lại của người dân ấp Hòa Quí rất khó khăn và mất an toàn, nhất là những khi triều cường, nước dâng cao gây ngập những địa bàn trũng thấp.

a
Sạt lở trước nhà ông Nguyễn Văn Tiến

Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông, rạch vùng đầu nguồn sông Tiền (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, ngày 28-3, ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, nhằm bảo vệ sản xuất, tài sản, tính mạng của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT kiểm tra thực tế, hướng dẫn các địa phương gia cố tạm thời đảm bảo an toàn giao thông.

Ghi nhận vào đầu tháng 3, một đoạn bờ Đông sông Trà Lọt dài gần 50m đã bị sạt lở toàn bộ xuống sông. Sạt lở đã cắt đứt tuyến đường dân sinh ấp Hòa Quí, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Bờ sông lở vào sát ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tiến nằm ngay phía con đường. Khu vực này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Người dân địa phương lo lắng cho an toàn tính mạng, tài sản trước thiên tai đang diễn biến khó lường.

Nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở áp sát vào thềm nhà, gia đình ông Tiến phải đợi lúc thủy triều xuống dùng bạt phủ lên điểm sạt lở đồng thời kéo lục bình ngăn giữ lại phía ngoài.

a
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Tiến mà thời gian qua rất nhiều hộ dân sống ven sông Trà Lọt bị sạt lở mất hàng trăm mét đất

Không chỉ riêng hộ gia đình ông Tiến mà thời gian qua rất nhiều hộ dân sống ven sông Trà Lọt bị sạt lở mất hàng trăm mét đất, có hộ bị sạt lở đến thềm nhà. Hiện nay, do sạt lở ngày một nghiêm trọng, việc đi lại của người dân ấp Hòa Quí rất khó khăn và mất an toàn, nhất là những khi triều cường, nước dâng cao gây ngập những địa bàn trũng thấp.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở trên sông Trà Lọt là do sông này có độ sâu lớn, nước chảy rất mạnh nên dễ xảy ra sạt lở. Theo Phòng NN-PTNT huyện Cái Bè cho biết, sạt lở chưa có dấu hiệu dừng, ngày thêm trầm trọng. Chính quyền địa phương đang hoàn tất thủ tục để nhanh chóng triển khai làm kè kiên cố tại các điểm sạt lở. Hiện đã ghi nhận 62 điểm sạt lở lớn nhỏ, chiều dài trên 2.100m. Ước kinh phí đầu tư khắc phục lên đến trên 27,7 tỷ đồng.

a
Sạt lở cặp sông Ba Rài (Cai Lậy, Tiền Giang)

Ngoài ra, cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cù lao Tân Long (thành phố Mỹ Tho), xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo)… liên tục xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đồng thời còn uy hiếp an toàn tính mạng của những hộ sống ven sông trong khu vực này.

Theo báo cáo, trong hai năm 2022 - 2023, Tiền Giang triển khai đầu tư xử lý 5 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 3.148m, kinh phí trên 305 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, để ứng phó sạt lở, Tiền Giang tiếp tục huy động các nguồn lực, đưa ra các giải pháp khắc phục nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống, an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Trong đó, nhiều điểm sạt lở lớn, vượt ra khỏi khả năng của các địa phương và cần có sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương về: kinh phí, giải pháp kỹ thuật đầu tư để xử lý triệt để, đảm bảo người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ triển khai các Dự án xử lý sạt lở bờ sông rạch ở Cái Bè, cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cù lao Tân Long (TP Mỹ Tho), xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo)…

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.