Thứ Tư, 29/03/2023, 14:24 (GMT+7)
.

"Thuận thiên" tạo sinh kế cho người dân miền Tây - Bài 3: Liên kết tạo mô hình phát triển bền vững

ĐBSCL ngày càng đối mặt khốc liệt với thời tiết cực đoan hơn do biến đổi khí hậu (BĐKH). Những lợi thế từ phù sa sông Mê Công, nguồn lợi thủy sản tự nhiên phong phú... không còn như trước nên cần sự vào cuộc của cả xã hội, người dân để thích ứng với BĐKH và phát triển.

a
Xuất khẩu các sản phẩm đan đát từ cây năn tượng của HTX Đan đát năn tượng MCF (Sóc Trăng) vào thị trường Australia, Mỹ. Ảnh: TUẤN QUANG

Từ chuyện trồng năn tượng...

Năn tượng, một loại cỏ trước đây mọc tự nhiên trong các vùng đầm lầy, thế nhưng gần đây loài cỏ này được nhiều hộ nuôi tôm, cua ở các địa phương ven biển vùng ĐBSCL triển khai nhân rộng trồng khá phổ biến. “Năn tượng - tôm cua” hiện đang là mô hình sản xuất mới thích ứng tốt với BĐKH tại những vùng đất thường xuyên bị mặn lấn sâu.

Ông Trần Văn Mật là một trong những người tiên phong trồng cỏ năn tượng tại xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Dẫn chúng tôi ra xem cánh đồng năn tượng xanh mướt, ông Mật chia sẻ: “Cây năn tượng rất dễ trồng, không sử dụng phân thuốc. Trung bình, 1.000m2 đất trồng năn tượng sẽ cho năng suất khoảng 1 tấn nguyên liệu khô, được các hợp tác xã (HTX) đan đát thu mua với giá bán 6.000 đồng/kg. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, người trồng thu về khoảng 12 triệu đồng, thì vẫn tốt hơn lúa nhiều, chưa kể nguồn thu từ con tôm, con cua”. Cách đây vài năm, ông Mật đã lặn lội xuống tận Cà Mau để tìm năn giống về trồng thử nghiệm, với mong muốn vừa có thể nuôi tôm, cua vừa có thể tìm cây trồng phù hợp với điều kiện mặn xâm nhập. Từ quyết tâm của ông Mật, cây năn tượng “bén duyên” ở vùng đất ven biển thường bị mặn lấn sâu. Người dân ở các vùng ven biển ĐBSCL chọn cây năn tượng vì nó thích ứng tốt với con tôm, con cua; có khả năng chống chịu mặn tốt hơn nhiều so với cây lúa. Đặc biệt, năn tượng phát triển rất tốt ở độ mặn từ 5‰-10‰ và độ mặn này lại phù hợp với môi trường sống của tôm, cua.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia nghiên cứu về đất ngập nước (thuộc Trường Đại học Cần Thơ), người đặc biệt quan tâm đến mô hình “năn tượng - tôm cua” cho biết: “Đây là mô hình chúng ta hoàn toàn dựa vào thiên nhiên. Có nghĩa là đất, nước như thế nào thì chúng ta chọn cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp và đặc biệt là không tạo ra xung đột với sản xuất hiện tại của người dân. Qua thực tế cho thấy, năn tượng tạo nên môi trường sinh thái thuận lợi, nhất là nguồn thức ăn tự nhiên giúp cho tôm, cua phát triển nhanh, làm giảm 30% dịch bệnh đối với tôm, cua nuôi so với các mô hình bình thường”.

Do là loại cây thân cỏ, năn tượng có ưu điểm dai, chắc và sợi nhỏ nên phù hợp làm đa dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ như giỏ xách, nón thời trang, đồ trang trí…, được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Anh Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc HTX Đan đát năn tượng MCF tại xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ban đầu, HTX hoạt động chỉ có khoảng 30 thợ đan, qua khoảng 1 năm, hiện nay đã tăng lên 400 người. Trong năm 2022, HTX đã cung cấp gần 30.000 sản phẩm đan đát từ năn tượng cho công ty xuất khẩu ra nước ngoài”.

Đến chuỗi sản xuất - tiêu thụ

Theo Bộ NN-PTNT, hiện khu vực ĐBSCL có hơn 1.500 HTX nông - lâm - thủy sản, chiếm 11,8% cả nước và có 17.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 26,7% cả nước. Các doanh nghiệp lớn đã đầu tư phát triển sản xuất và thực hiện liên kết bền vững với các hộ nông dân, tạo thành một chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến và cho nhiều thành tựu quan trọng, nhất là khi công nghệ 4.0 đã bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả tích cực. Điều đáng mừng là các địa phương đã xây dựng các mô hình “thuận thiên” gắn với sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Ông Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh), cho biết, cách đây 5 năm (năm 2018), khi HTX được thành lập, đã có nhiều nghiên cứu về những cách canh tác mới đối với cây lúa, trong đó phương pháp “ngập khô xen kẽ cho lúa”. Đây là một phương pháp thông minh và tiết kiệm nước trong tình trạng hạn mặn kéo dài và khó khăn về nguồn nước ngọt tưới tiêu. Những kỹ thuật làm bờ, tạo rãnh thông minh trên đồng ruộng và kết hợp bón phân hợp lý theo giai đoạn cây lúa được áp dụng. Hiện, HTX đang cùng các thành viên xây dựng mô hình nuôi tôm kết hợp trồng lúa hữu cơ với diện tích 30ha, xung quanh có đê bao ngăn mặn, trữ ngọt, phù hợp nuôi tôm sú, tôm càng xanh kết hợp trồng lúa; tạo ra sản phẩm an toàn, thuận theo tự nhiên, khai thác tối đa nguồn lợi từ thủy sản. Việc trồng lúa trên ao tôm có thể tận dụng nguồn rơm rạ có sẵn làm thức ăn và nơi trú ngụ cho tôm, giúp tôm phát triển mạnh.

Chính quyền địa phương thông qua một số dự án đã hỗ trợ xây dựng những điểm đo độ mặn tại các cống, cửa sông lớn; xây dựng hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt giúp người dân chủ động khi mặn lấn sâu vào vùng canh tác. “Hiệu quả sản xuất lúa và nguồn lợi thủy sản từ mô hình thích ứng với BĐKH trong mùa hạn mặn của nông dân thấy rõ. Nông dân sản xuất lúa được HTX bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg và sản lượng thủy hải sản nuôi trồng đem lại lợi nhuận gấp 3 lần so với trước đây”, ông Trầm Minh Thuần cho biết thêm. Theo ông Thuần, việc triển khai mô hình lúa - tôm kết hợp thuận lợi khi thành viên HTX và nông dân hiện canh tác ở gần các vùng cửa sông lớn, vùng thường nhiễm mặn, khó canh tác lúa 3 vụ. Điều này giúp thành viên chấp nhận chuyển đổi mô hình, cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu lúa đạt chuẩn và nguồn lợi thủy sản gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm. Hiện các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp…) đều có từ 10%-30% diện tích canh tác nông sản có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Tại Kiên Giang, các huyện Giồng Riềng, Hòn Đất, Tân Hiệp là trọng điểm trồng lúa hữu cơ theo đơn đặt hàng của một loạt doanh nghiệp lúa gạo lớn như Lộc Trời, Trung An. Vùng Kiên Lương, Hà Tiên, Giang Thành, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng thì liên kết nuôi tôm áp dụng công nghệ cao (nuôi công nghiệp hoặc quảng canh cải tiến) với Công ty Trung Sơn, Minh Phú, BIM, Hạ Long… Ông Dương Văn Hùng (67 tuổi), nuôi 4ha tôm luân canh với lúa tại huyện An Minh, hồ hởi cho biết, bây giờ nông dân gần như không còn lo “bí đầu ra” của nông sản nữa, đó là nhờ liên kết với doanh nghiệp. Doanh nghiệp đưa ra đơn đặt hàng, cung ứng vật tư, con giống, cây giống, hướng dẫn quy trình chăn nuôi, trồng trọt, để đến lúc thu hoạch sản phẩm sẽ từ đồng ruộng, ao nuôi đi thẳng vô nhà máy rồi ra bến cảng xuất khẩu. Lợi nhuận của người nông dân luôn được đảm bảo từ 25%-30%, có khi lên tới 40% nên bà con yên tâm bám đất mà làm giàu.

Cần kinh nghiệm thực tiễn

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng, phần lớn chúng ta xem BĐKH là cái gì đó ghê gớm, không thể vượt qua, từ đó không nhiều người dám mạo hiểm, dẫn đến thiếu giải pháp kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm triển khai và cuối cùng là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ. Vấn đề BĐKH ở ĐBSCL, chúng ta đã bàn luận, nói nhiều rồi tại các diễn đàn, hội thảo… do đó cái cần nhất hiện nay là kinh nghiệm thực tiễn.

Theo sggp.org.vn
 


 

 

.
.
.