Thứ Tư, 08/03/2023, 09:25 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm

Để bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển ngành chăn nuôi gia cầm tại địa phương, ngành Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm (CGC).

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, cả nước có trên 25 ổ dịch CGC do vi rút A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 22 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 100 ngàn con gia cầm. Đặc biệt, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 1 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trên người tại tỉnh Phú Thọ vào cuối năm 2022 và gần đây có 1 trường hợp tử vong trên người do vi rút cúm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng của Campuchia.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, THƯỜNG XUYÊN KIỂM TRA

Thời gian qua, chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo thống kê, đàn gia cầm của tỉnh hiện có khoảng 17 triệu con. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang, trước diễn biến của bệnh CGC, để chủ động phòng, chống, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, đặc biệt là văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã ban hành các kế hoạch, các văn bản phối hợp với UBND các huyện, thị, thành để phòng, chống.

Cụ thể, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch 726 ngày 27-2-2023 về triển khai Tháng tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường trong hoạt động chăn nuôi thú y đợt 1-2023, thời gian thực hiện từ ngày 1-3-2023 đến ngày 31-3-2023. Song song đó, ngành Nông nghiệp cũng có Công văn 765 ngày 28-2-2023 gửi UBND các huyện, thị, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tỉnh.

Người chăn nuôi cần đảm bảo yêu cầu khi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng, trại.
Người chăn nuôi cần đảm bảo yêu cầu khi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng, trại.

Sở NN&PTNT đã trực tiếp chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn các cấp tập trung triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Công văn 7230 ngày 30-12-2022 của UBND tỉnh về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023; trong đó, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh CGC.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với cơ quan Y tế thực hiện chặt chẽ các quy định trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; đặc biệt là bệnh CGC. Đồng thời, phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến toàn dân về bệnh CGC, tính nghiêm trọng của bệnh, tình hình dịch bệnh và các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh. Trong tháng 3-2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ thực hiện 1 cuộc truyền hình trực tiếp “Bạn nhà nông”, 1 cuộc truyền thanh trực tiếp, tuyên truyền xe cổ động đợt 1, tổ chức 1 lớp tập huấn cấp tỉnh về tầm quan trọng của dịch bệnh động vật, đặc biệt các loại bệnh nguy hiểm truyền lây từ động vật sang người (bệnh CGC, bệnh dại)

Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang, đơn vị đang tăng cường công tác kiểm soát giết mổ gia cầm, kiểm dịch gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển ra, vào tỉnh. Đồng thời, tập trung cung ứng và tiếp nhận kịp thời các loại vật tư (vắc xin, thuốc sát trùng) cho các địa phương để phục vụ công tác phòng, chống bệnh CGC. Ngành Chăn nuôi và Thú ý sẽ khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm, đảm bảo tối thiểu 80% tổng đàn; thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị, thành trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh CGC. Ngoài ra, đơn vị sẽ thành lập Đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tại địa phương.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH TỪ CHUỒNG, TRẠI

Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, để chủ động bảo vệ đàn gia cầm, bên cạnh công tác triển khai của ngành chức năng, người chăn nuôi cần đảm bảo yêu cầu khi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng và tổ chức tiêm vắc xin phòng CGC. 

Người chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng phải tuân thủ nguyên tắc: 3 bước, 3 pha và 3 phun. Theo đó, nguyên tắc 3 bước là: Dọn sạch và làm sạch bằng cách quét dọn, thu gom phân rác và dội rửa, để khô. Tốt nhất nên cho ánh nắng rọi vào trực tiếp, bước này tiêu diệt 90% vi sinh vật. Sau đó, khử trùng bằng thuốc sát trùng, bước này tiêu diệt 10% vi sinh vật. Lưu ý, nếu không để khô bề mặt các vật dụng có nghĩa là chúng ta vô tình pha loãng nồng độ thuốc sát trùng, do vậy sẽ không còn hiệu quả sau khi phun xịt. Nguyên tắc 3 pha là: Nước pha phải đảm bảo không có chất hữu cơ như bùn, đất…

Người chăn nuôi nên pha thuốc sát trùng đúng nồng độ theo khuyến cáo nhà sản xuất; pha thuốc từ ít đến nhiều, nghĩa là thuốc sát trùng pha với lượng nước bằng 1/4 tổng lượng nước định pha; sau đó khuấy đều và đổ nước vào cho đủ 100%. Nguyên tắc 3 phun là: Phun từ trên cao xuống thấp, phun cùng chiều với hướng gió và phun từ khu vực sạch đến khu vực bẩn.

Cũng theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, người chăn nuôi cần sử dụng vắc xin phòng CGC đúng loại và đúng kỹ thuật theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan Thú y. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều có lấy mẫu để xét nghiệm loại vi rút CGC đang lưu hành trên đàn gia cầm nhằm có chiến lược sử dụng vắc xin phù hợp loại vi rút CGC đang gây bệnh tại địa phương. Chính vì thế, người chăn nuôi phải tuân thủ sử dụng loại vắc xin phòng CGC do Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo theo từng năm thì mới hiệu quả.

TRỌNG ĐẠT

 

.
.
.