Thứ Tư, 19/04/2023, 09:15 (GMT+7)
.
DU LỊCH TIỀN GIANG SẼ KHỞI SẮC

BÀI 2: Mở rộng đầu tư, tăng cường kết nối

BÀI 1: Đi tìm sản phẩm đặc trưng

Những dự án đầu tư mới cùng sự chủ động kết nối với các tỉnh, thành là những bước đi quan trọng để tận dụng và khai thác tiềm năng hiện hữu của du lịch Tiền Giang. Thông qua nhiều giải pháp, đặc biệt là các hội nghị xúc tiến đầu tư, nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch đã được định hình và bắt đầu đưa vào khai thác.

TẠO ĐÀ TỪ HẠ TẦNG

Khi đánh giá về hoạt động du lịch của Tiền Giang trong thời gian qua, nhiều người cho rằng, sự phát triển về du lịch của Tiền Giang chưa tương xứng với tiềm năng và nguyên nhân cơ bản là chưa tìm được hướng đi phù hợp.

Đoàn khách du lịch quốc tế được kết nối từ TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang tham quan, trải nghiệm.
Đoàn khách du lịch quốc tế được kết nối từ TP. Hồ Chí Minh về Tiền Giang tham quan, trải nghiệm.

Tăng cường xúc tiến đầu tư vào hạ tầng và các sản phẩm, dịch vụ du lịch là một trong những lựa chọn căn cơ nhằm tạo đà cho du lịch cất cánh. Giải pháp này bắt đầu phát huy hiệu quả. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Tiền Giang, thời gian qua Sở KH-ĐT cùng với các sở, ngành và UBND cấp huyện tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư thực hiện các dự án để phát triển du lịch của tỉnh.

Kết quả cụ thể cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Du lịch Tiền Giang đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển du lịch, với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.162 tỷ đồng, với các dự án tiêu biểu như: Khách sạn Cửu Long đạt chuẩn 3 sao, Khách sạn Lạc Hồng theo chuẩn 3 sao, Khách sạn Mekong - My Tho theo tiêu chuẩn 4 sao, Khu Đón tiếp du lịch đường bộ trên cù lao Thới Sơn, The Island Lodge Thoi Son, Khu Resort Mekong Lodge, Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Mekong Riverside, Cảng du thuyền, Kè biển Tân Thành, Khách sạn Mekong theo chuẩn 3 sao, Khách sạn Central Plaza Mỹ Tho, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mỹ Đức, Khu du lịch sinh thái Gò Công, Khu du lịch sinh thái Làng Yến...

Việc quảng bá, xúc tiến du lịch Tiền Giang thời gian qua cũng được tập trung thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế. Nổi bật là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch (Cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang, bản đồ du lịch điện tử, ứng dụng tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh (smartphone) TienGiang Tourism; wifi thông minh được triển khai tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng mới các ấn phẩm du lịch (cẩm nang, bản đồ, tờ gấp, Video clip...).

Tham gia các sự kiện du lịch thường niên và các hội chợ triển lãm về du lịch tại các tỉnh, thành trong khu vực; tổ chức chọn ảnh đẹp du lịch Tiền Giang; tổ chức đón các đoàn famtrip trong nước và nước ngoài đến Tiền Giang khảo sát sản phẩm du lịch.

Đặc biệt là ngành Du lịch Tiền Giang đã tổ chức các Lễ hội định kỳ như: Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Tiền Giang, Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp… cũng đã góp phần xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch đến Tiền Giang.

Đánh giá của Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang cũng cho thấy, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tiền Giang đang tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng (đến năm 2030) và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (tầm nhìn năm 2050); đóng vai trò là một trong những trụ cột tăng trưởng của tỉnh.

Chính vì thế, định hướng thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch trong thời gian tới của Tiền Giang sẽ tập trung đầu tư phát triển cả 4 trung tâm du lịch chính: Khu du lịch Cái Bè, Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười; trong đó, tập trung phát triển các khu, điểm du lịch trọng điểm để làm điểm đột phá, tạo điểm nhấn phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Tiền Giang tiếp tục công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư để xây dựng các khách sạn cao cấp, đạt chuẩn từ  4 - 5 sao và một số khách sạn từ 2 - 3 sao tại khu vực trung tâm TP. Mỹ Tho, huyện Cái Bè, TX. Gò Công và vùng biển Gò Công; nâng cấp, cải tạo các cơ sở lưu trú và phát triển mô hình dịch vụ nghỉ đêm tại nhà dân (homestay) ở cù lao Thới Sơn, cù lao Ngũ Hiệp, cù lao Tân Phong, Khu du lịch Cái Bè, vườn ca cao Gò Công Tây... nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch.

CHỦ ĐỘNG KẾT NỐI

Không chỉ tập trung thu hút đầu tư, ngành Du lịch Tiền Giang đã và đang không ngừng kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Nhìn về góc độ lợi thế của du lịch Tiền Giang trong bức tranh chung của vùng, PGS.TS. Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp (Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài tuyến đường bộ, Tiền Giang có thể nằm trên tuyến du lịch sông Me Kông kết nối với các tỉnh hai bên sông Tiền như Đồng Tháp, An Giang cho tới Phnôm Pênh (Campuchia).

Du khách trải nghiệm với mô hình du lịch nông nghiệp tại huyện Gò Công Tây.
Du khách trải nghiệm với mô hình du lịch nông nghiệp tại huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, tuyến kinh Chợ Gạo, một trong các tuyến kinh có vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông thủy các tỉnh khu vực ĐBSCL, là tuyến đường thủy huyết mạch nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ có đủ điều kiện cả về độ sâu lẫn độ rộng của lòng sông để trở thành tuyến hàng hải tiêu chuẩn, có thể đón tiếp các du thuyền quốc tế…

Do vậy, Tiền Giang có vị trí bản lề giữa TP. Hồ Chí Minh với ĐBSCL, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Tiền Giang phát triển, kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng. Tiền Giang cũng là một trong những điểm kết nối sông Mê Kông với Biển Đông, có thể trở thành điểm đầu tuyến kết nối các tuyến du lịch sông Mê Kông với các tuyến du lịch theo đường hàng hải quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thực tế vừa qua cũng cho thấy, câu chuyện kết nối du lịch của Tiền Giang cũng đã được tập trung triển khai, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đặc biệt là đối với TP. Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn của cả nước và là đầu mối đón lượng khách lớn từ các tỉnh, thành khác về TP. Hồ Chí Minh và trung chuyển đến Tiền Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Đây sẽ là một thị trường lớn để kết nối và đẩy mạnh việc phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và Tiền Giang. TP. Hồ Chí Minh hiện có nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành (các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu cả nước như: Saigontourist, Fiditour, Vietravel, Chợ Lớn, Bến Thành, Hòa Bình Việt Nam; Vietnamtourism, Lửa Việt, Du Ngoạn Việt…) là những đơn vị khai thác và kết nối khách du lịch đến Tiền Giang và các tỉnh, thành ĐBSCL với những chương trình du lịch truyền thống như: TP. Hồ Chí Minh về Mỹ Tho, Cái Bè, Tân Phước, Tân Thành (Gò Công Đông)… hoặc các tuyến liên kết TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh (theo tuyến Non nước hữu tình); TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau (theo tuyến Những nẻo đường phù sa), hoặc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang (theo tuyến Sắc màu vùng biên)… Đây thực sự là những nguồn lực lớn để thúc đẩy du lịch Tiền Giang tạo ra những sức bật mới.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn trong kết nối phát triển du lịch, các chuyên gia cũng cho rằng, việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm tạo ra sự khác biệt thu hút khách phải tính đến các điểm đến ở địa phương trong vùng, các điểm du lịch phụ trợ để hỗ trợ nhau, làm cho sản phẩm du lịch toàn vùng có sức hấp dẫn cao; đồng thời, phải tăng cường xúc tiến quảng bá chung cho cả vùng, không quảng bá đơn lẻ từng địa phương vì du khách quốc tế chỉ biết qua tên gọi Mekong Delta.

Để khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch của từng địa phương trong liên kết, cần hỗ trợ nhau cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch hiện có, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính riêng biệt của vùng, phát huy thế mạnh sông nước miệt vườn, hình thành các chương trình du lịch mang đậm tính sinh thái liên tỉnh, cả vùng và có phân khúc…

ANH PHƯƠNG

(còn tiếp)



 

.
.
.