.

HĐND tỉnh Tiền Giang giám sát công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp

Cập nhật: 21:27, 19/04/2023 (GMT+7)

(ABO) Ngày 19-4, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tiền Giang do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên làm Trưởng đoàn đến làm việc với Hợp tác xã (HTX) Sầu riêng Ngũ Hiệp và UBND huyện Cai Lậy về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp được thành lập năm 2008, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất, mua bán sầu riêng và các loại trái cây khác. Hiện HTX có 102 thành viên với khoảng 55 ha sầu riêng.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo HTX này cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX được UBND xã Ngũ Hiệp hỗ trợ quỹ đất khoảng 450 m2 để xây dựng phòng làm việc, nhà xưởng sơ chế đóng gói, trang thiết bị máy móc văn phòng.

Cùng với đó, Ban lãnh đạo HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp được tham gia các hội thảo, hội nghị, khóa học của Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, Chi cục Phát triển nông thôn và của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy tổ chức. Qua đó, trình độ quản lý, điều hành của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX nâng lên rõ rệt, hiệu quả hoạt động quản trị và của HTX tăng hơn so với năm trước. Tổng sản lượng tiêu thụ trong 5 năm gần đây là 1.785 tấn với tổng doanh thu trên 81 tỷ đồng.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Cai Lậy
Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Cai Lậy.

Thời gian qua, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp hướng dẫn cho các thành viên sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích sản xuất 10 ha sầu riêng, năm 2023 sẽ tiếp tục thực hiện VietGap cho 30 ha. HTX đang tổ chức thành viên sản xuất theo yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc góp phần nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng của thành viên HTX. Hiện HTX đã xây dựng mã số vùng trồng, được cấp 8 mã cho 245 hộ, diện tích 169,46 ha.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo HTX nguồn vốn hoạt động còn ít, khó cạnh tranh so với các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn. Thiếu phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hóa. HTX chưa tập trung phát triển mở rộng quy mô thành viên để hỗ trợ kinh tế hộ địa phương phát triển.

Còn theo UBND huyện Cai Lậy, với đặc trưng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thì địa bàn huyện có điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Huyện Cai Lậy được xem là vùng sản xuất lương thực và trái cây lớn của tỉnh; có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. Bên cạnh huyện có vị trí thuận lợi, điều kiện phát triển nông ngư nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện còn có tiềm năng cảnh quan phong phú, đặc biệt là vùng cù lao ven sông Tiền, sông Năm Thôn (xã Tân Phong, xã Ngũ Hiệp) mang tính chất đặc trưng vùng sông nước Nam bộ, thích hợp cho việc phát triển du lịch sinh thái theo hướng tham quan sông nước, miệt vườn... địa phương đã chủ động khai thác lợi thế.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cai Lậy đã hình thành vùng chuyên lúa từng bước tiêu chuẩn hóa theo hướng hiệu quả chất lượng cao; đặc biệt là vùng vườn chuyên sầu riêng đứng vào hàng đầu của tỉnh Tiền Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tham gia hiệu quả vào thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện.

Đoàn giám sát làm việc với HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp
Đoàn giám sát làm việc với HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp.

Tuy vậy, về cơ bản huyện Cai Lậy vẫn còn nhiều khó khăn như: Hệ thống thủy lợi mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc ngăn lũ, triều cường, xâm nhập mặn và trữ ngọt phục vụ sản xuất. Ý thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch của người dân chưa cao; có ít doanh nghiệp tham gia cung cấp vật tư đầu vào (giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật...) và bao tiêu sản phẩm trong chuỗi liên kết nên mô hình liên kết chưa phổ biến và quy mô chưa lớn, diện tích cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... chiếm tỷ lệ thấp.

Các sản phẩm nông, thủy sản trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, nhất là các nông sản với sản lượng lớn như sầu riêng, thủy sản khi bước vào thu hoạch chính vụ. Cùng với đó, việc sản xuất, canh tác của nông dân vẫn còn manh mún, chưa có vùng chuyên canh sản xuất cung cấp khối lượng nông sản quy mô lớn; quy mô sản xuất nhỏ, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định. Đặc biệt, khâu chế biến nông sản còn khá đơn giản, ít doanh nghiệp tham gia chế biến sâu; sản phẩm đưa ra thị trường chủ yếu dưới dạng thô, giá trị kinh tế thấp, sản phẩm được chế biến đủ tiêu chuẩn xuất khẩu còn hạn chế…

Tại các buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cùng lãnh đạo HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp và địa phương phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế còn tồn tại; gợi mở một số hướng tháo gỡ cho HTX, địa phương trong thời gian tới.

Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Nguyên ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nơi đoàn giám sát đến làm việc.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên cho biết, mục đích của đoàn giám sát đi giám sát thực tế để đánh giá việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Xem xét những kết quả đạt được; những khó khăn, hạn chế, vướng mắc; cùng phân tích nguyên nhân các khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước, việc ban hành chính sách quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

QUỐC THỊNH - HOÀI THU

 

 

.
.
.