Thứ Năm, 20/04/2023, 20:54 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phú Đông cần quan tâm phát triển vùng thủy sản tiềm năng

(ABO) Ngày 20-4, tiếp tục chương trình giám sát, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Tiền Giang do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên làm Trưởng đoàn đến làm việc với UBND huyện Tân Phú Đông về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Huyện Tân Phú Đông là huyện cù lao ven biển, có tổng diện tích sản xuất nông nghiệp là 10.619 ha, trong đó, diện tích đất tự nhiên nuôi trồng thủy sản khoảng 4.476 ha, cây dừa 2.700 ha, cây sả và rau màu các loại 4.000 ha, cây ăn trái là 320 ha, còn lại là diện tích các cây trồng khác.

Theo đánh giá của UBND huyện Tân Phú Đông, đến nay lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện đã có sự chuyển biển rất lớn về diện tích, năng suất, sản lượng, số lượng...

Cụ thể, diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2008 là 3.084 ha chủ yếu là nuôi quản canh, một số ít diện tích nuôi tôm công nghiệp. Đến nay, diện tích đã tăng lên 7.540 ha (tăng 2,44 lần), trong đó toàn huyện có 174 ha nuôi tôm công nghệ cao đạt năng suất 30 - 45 tấn/ha so với nuôi tôm công nghệ truyền thống thì năng suất từ 8 - 10 tấn/ha (năng suất tăng 3,75 - 4,5 lần).

Đối với trồng trọt, đến nay đã chuyển đổi 3.681 ha san xuất lúa có năng suất thấp chuyển sang trồng cây sả (hiện nay 3.700 ha), cây rau màu có hiệu quả cao hơn sản xuất lúa từ 3 - 4 lần. Hiện nay, còn 6 ha sản xuất lúa của các hộ xâm canh chưa chuyển đổi, diện tích cây dừa giảm nhẹ từ 2.908 ha xuống còn 2.700 ha; diện tích cây ăn trái giảm từ 1.120 ha, xuống còn 320 ha. Nguyên nhân giảm do cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hằng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân về các nội dung Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời, vận động tổ chức, cá nhân chủ động tham gia Chương trình OCOP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả các lợi thế sản phẩm của địa phương trong sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn huyện hiện có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao và đã gửi hồ sơ đề xuất nâng hạng 5 sao.

Đồng chí Trần Thanh Nguyên trao đổi với đại diện Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Tuấn Hiền trong chuyến giám sát.

Công tác lập quy hoạch, rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp là phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp của huyện. Công tác triển khai thực hiện quy hoạch đề tài, đề án, dự án; triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người sản xuất là đúng theo quy định hiện hành được đa số nông dân đồng thuận cao.

Tuy nhiên, huyện Tân Phú Đông vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp theo hình thức sản xuất nông hộ nhỏ; sự tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Chưomg trình OCOP chưa được nhân rộng; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là bán thô, chưa quan tâm đến sơ chế, chế biến và đóng gói, nhãn hiệu bao bì... để tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, địa phương còn nhiều lúng túng trong xác định cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất; chỉ mới tập trung, vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu…

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại bãi rác Gò Công Đông
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Tuấn Hiền.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã đặt nhiều vấn đề đề nghị lãnh đạo huyện Tân Phú Đông làm rõ như: Tình hình thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông sản chủ lực của tỉnh trên địa bàn; việc triển khai, kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; kết quả thực hiên Quy hoạch điều chỉnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện…

Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Phú Đông
Đồng chí Trần Thanh Nguyên phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Phú Đông.

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Tân Phú Đông, đồng chí Trần Thanh Nguyên cho rằng, mặt dù còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo huyện đã rất nỗ lực trong thực hiện công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Theo đồng chí Trần Thanh Nguyên, tiềm năng lợi thế của Tân Phú Đông còn lớn, huyện đã có Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Tân Phú Đông đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 13, vấn đề quan trọng hiện nay là huyện cần nghiên cứu để có cơ chế hấp dẫn thu hút các nguồn lực về đầu tư, tạo đột phá cho huyện trong thời gian tới. Đặc biệt là quan tâm mời gọi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, các loại cây trồng chủ lực của địa phương; đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư… Đồng chí Trần Thanh Nguyên cũng lưu ý lãnh đạo huyện cần quan tâm phát triển vùng thủy sản tiềm năng của huyện, rà soát hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy lợi, đảm bảo phục vụ việc mời gọi đầu tư phát triển kinh tế. 

Cùng ngày, Đoàn giám sát cũng đã đến làm việc, khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Tuấn Hiền (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) nghe công ty báo cáo về tình hình sản xuất hoạt động cũng như ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...

QUỐC THỊNH – HOÀI THU

.
.
.