Thứ Năm, 13/04/2023, 21:05 (GMT+7)
.

Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam với doanh số đạt trên 310 triệu đô la Mỹ trong quí 1 vừa qua.

Chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh
Chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

TTXVN dẫn thông tin từ Vasep cho biết, mặc dù đứng đầu trong tốp những thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật vẫn giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, một số mặt hàng thủy sản xuất sang Nhật Bản giảm mạnh như tôm chân trắng giảm 35%, cá hồi giảm 4%, bạch tuộc giảm 6%. Xuất khẩu sang nước này tăng chủ yếu là các mặt hàng hải sản khai thác như mực, cá nục, cá minh thái, cá ngừ, cá sòng, với mức tăng trưởng từ 13-88%.

Mỹ đã mất vị trí số 1 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này chỉ đạt khoảng 290 triệu đô la Mỹ, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mức suy giảm mạnh nhất trong các thị trường xuất khẩu. Sáu sản phẩm xuất khẩu chính sang Mỹ, gồm tôm chân trắng, cá ngừ, cá tra, tôm sú, cá chẽm và ghẹ đều giảm sâu từ 31-57%. Nhiều sản phẩm khác cũng giảm sâu như mực, cá dũa, cá trích, cá mú.

Theo Vasep, thị trường Mỹ chủ yếu tiêu thụ hàng đông lạnh. Với phân khúc này, Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh lớn về cả nguồn cung và giá bán với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…

Với thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này trong quí 1 đạt gần 255 triệu đô la, giảm 22%. Cá tra chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc với 61%, tôm chiếm khoảng 20% còn lại là các loại hải sản. Xuất khẩu tôm chân trắng sang nước này giảm sâu nhất với mức giảm 50% trước áp lực cạnh tranh lớn từ Ấn Độ và Ecuador. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sú và tôm biển tăng lần lượt là 29% và 119%.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc trong quí 1-2023 cũng giảm 13%, đạt gần 178 triệu đô la. Bốn sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất gồm tôm chân trắng, bạch tuộc, chả cá surimi và mực đều giảm từ 2-26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thông tin tích cực là kim ngạch xuất khẩu của một số loại hải sản khác lại tăng, trong đó tôm biển tăng 26%, cá ngừ tăng gần 8 lần, hải sâm tăng 51%, nghêu tăng 63%, cá tra tăng 24%.

Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những thị trường lớn của các mặt hàng chế biến giá trị gia tăng của Việt Nam và cũng là thị trường cung cấp nguyên liệu hải sản cho doanh nghiệp Việt Nam gia công, chế biến.

Với thị trường Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này cũng giảm 29% trong quí 1, chỉ đạt 210 triệu đô la. Xuất khẩu tôm và các sản phẩm hải sản sang EU đều giảm từ 7-50%, riêng cá tra giữ được ổn định nhờ tăng xuất khẩu sang thị trường Đức.

Vasep nhận định, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu ở các nước khác cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa.

Trong khi đó, việc xuất khẩu sang các thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá xuất khẩu trung bình giảm so với năm trước.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.