Thứ Hai, 24/04/2023, 21:26 (GMT+7)
.

Phát hiện 3.100 trường hợp đại lý bảo hiểm nhân thọ sai phạm

Quá trình tư vấn bảo hiểm cần được ghi âm và doanh nghiệp bảo hiểm phải lưu trữ 5 năm để dễ dàng xác minh đúng sai khi phát sinh tranh chấp.

a
Ông Ngô Trung Dũng trao đổi thông tin với báo chí

Chiều 24-4, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức buổi chia sẻ, trao đổi thông tin với báo chí về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm đã trao đổi nhiều nội dung dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.

Lũy kế đến hết tháng 3-2023, Việt Nam có gần 13,69 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tăng 3,5% so với cùng thời điểm năm ngoái, tuy nhiên giảm hơn 235.000 hợp đồng so với cuối năm 2022.

Ông Dũng nhìn nhận ngành bảo hiểm nhân thọ đang gặp khủng hoảng nặng nề nhất từ khi vào thị trường Việt Nam đến nay và cho rằng cần một số sự thay đổi thời gian tới.

Năm 2022, qua kiểm tra, hiệp hội phát hiện khoảng 3.100 trường hợp đại lý sai phạm, với 14 nhóm hành vi, trong đó có lỗi tuyên truyền quảng cáo sai về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm. Tùy vào mức độ, đại lý bảo hiểm sẽ không được tiếp tục hành nghề, hoặc nếu mức độ nghiêm trọng hơn sẽ bị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý.

Để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm, ông Ngô Trung Dũng cho rằng cần sớm hoàn thiện các quy định, sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, quá trình tư vấn bảo hiểm cần được ghi âm và doanh nghiệp bảo hiểm phải lưu trữ 5 năm để dễ dàng xác minh đúng sai khi phát sinh tranh chấp. Quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần điều chỉnh, như bổ sung thêm cuộc gọi xác minh trước khi ký hợp đồng hay quy định số điện thoại trên hợp đồng bảo hiểm phải là số chính chủ.

Về phía khách hàng, khi tham gia bảo hiểm cần xác định rõ nhu cầu của bản thân. Nếu chỉ thuần túy nhu cầu được bảo vệ thì khi được mời chào sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư cũng nên kiên định. Còn nếu chọn hợp đồng dạng liên kết đầu tư thì phải tìm hiểu rõ việc phân bổ chi phí như thế nào…

Với kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance), ông Dũng ủng hộ cách đánh giá tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ hai trở đi để xem xét hiệu quả của kênh này. Nếu tỷ lệ này thấp, có thể khách hàng bị ép mua bảo hiểm hoặc tư vấn không đúng nên khách sớm bỏ hợp đồng.

“Để lùm xùm như hiện nay, lỗi chính là ở người tư vấn chứ không phải ở bản thân sản phẩm bảo hiểm”, ông Ngô Trung Dũng nhấn mạnh. Đặc biệt, với kênh bancassurance nhiều lùm xùm thời gian qua, ông cho biết hiện nay cả thị trường có 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức, gồm cá nhân lẫn tổ chức.

Trong đó, kênh bancassurance đang mang về nguồn thu lớn. Số liệu từ hiệp hội cho thấy trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.

Theo sggp.org.vn


 

 

.
.
.