Thứ Tư, 05/04/2023, 13:35 (GMT+7)
.
THẤP THỎM NỖI LO SẠT LỞ

Bài cuối: Còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng

BÀI 1: Sạt lở đe dọa các cù lao trên sông Tiền

Không riêng các cù lao trên sông, địa bàn tỉnh Tiền Giang còn nhiều điểm xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Thiếu vốn để đầu tư xử lý sạt lở đang là khó khăn của tỉnh hiện nay.

NỖI LO TỪ KINH 28

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là sự lưu thông liên tục của các phương tiện thủy phục vụ việc xay xát gạo, hiện bờ kinh 28 (thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) liên tục bị sạt lở và mức độ sạt lở rất trầm trọng. Điều này làm ảnh hưởng đến đường giao thông, nhà cửa và hoạt động sản xuất của người dân.

Hở hàm ếch nghiêm trọng tại bờ kinh 28.
Hở hàm ếch nghiêm trọng tại bờ kinh 28 (thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè).

Gia đình ông Lê Văn Tất định cư ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp từ nhiều đời nay cho biết: “Người dân ở đây chủ yếu trồng cây ăn trái. Mấy năm nay, sạt lở gây chia cắt đường đi nên bán buôn gì cũng khó khăn. Gia đình tôi ngủ không yên, nghe rục rịch là chuẩn bị di dời. Người dân mong muốn sớm khắc phục để ổn định cuộc sống”.

Hiện UBND tỉnh Tiền Giang đang dự thảo công văn đề nghị Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện 8 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp với tổng kinh phí trên 2.100 tỷ đồng gồm: Dự án Xói lở bờ biển Gò Công (đoạn 3), huyện Gò Công Đông; Dự án Xử lý sạt lở bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong (đoạn 5), huyện Cai Lậy; Dự án Xử lý sạt lở cù lao Tân Long (đoạn 7), TP. Mỹ Tho; Dự án Xói lở bờ sông Tiền (đoạn đầu vàm Kỳ Hôn), xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo; Dự án Xử lý sạt lở đê ven sông Tiền tại 3 xã Hòa Hưng, An Hữu, Tân Thanh thuộc huyện Cái Bè (giai đoạn 2); Dự án Xử lý sạt lở kinh 28 tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè (đoạn 4); Dự án Xử lý sạt lở sông Tiền tại cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho và Dự án Xử lý sạt lở kinh Nguyễn Văn Tiếp tại khu vực chợ Thiên Hộ, thuộc huyện Cái Bè.

Cùng chung nỗi lo với những hộ dân sống cặp tuyến kinh 28, gia đình bà Phạm Thị Ngà (ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp) cũng luôn thắc thỏm với nỗi lo sạt lở. Theo bà Ngà, mấy năm nay, người dân ở đây cùng nhau chống đỡ để đường đi không sạt xuống kinh. “Nếu không “chữa cháy” thì sẽ mất đường giao thông, không có đường đi. Người dân mong muốn có bờ kè để dân đi lại thuận tiện” - bà Ngà bày tỏ.

Theo Chủ tịch UBND xã Đông Hòa Hiệp Nguyễn Văn Hải, kinh 28 đoạn từ cống Bà Thêm đến ngã ba Thông Lưu đang sạt lở rất nghiêm trọng. Việc đi lại của người dân rất khó khăn, không vận chuyển được hàng hóa. Hiện trên tuyến kinh 28 qua địa bàn xã có 4 điểm xảy ra sạt lở chưa được khắc phục với chiều dài khoảng 450 m; 6 điểm có nguy cơ sạt lở với trên 700 m; trong đó, có đoạn đường đi đã bị nghiêng, sạt đan phân nửa; đã ảnh hưởng đến khoảng 10 căn nhà.

Sạt lở chia cắt đường giao thông tại kinh 28.
Sạt lở chia cắt đường giao thông tại kinh 28 (thuộc xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè).

Do mức độ sạt lở trầm trọng, vượt quá khả năng xử lý của tỉnh, nên tỉnh đang đề nghị Trung ương đầu tư khoảng 120 tỷ đồng khẩn cấp triển khai Dự án Xử lý sạt lở kinh 28 - đoạn 4.

ĐÊ VÀM KỲ HÔN: SẠT LỞ NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG

Xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo nằm trên rạch Kỳ Hôn, nối với kinh Chợ Gạo, là tuyến kinh vận tải huyết mạch từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Mỗi ngày đêm, đoạn kinh này có khoảng 1.500 phương tiện thủy có tải trọng từ 200 - 1.000 tấn qua lại, tạo nên những cơn sóng mạnh đánh thẳng vào bờ. Đây là nguyên nhân chính gây sạt lở bờ đê Vàm Kỳ Hôn này. Đáng ngại hơn, tình hình sạt lở khu vực này diễn ra ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ sạt lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân địa phương.

Hiện nay, bên cạnh sạt lở bờ sông, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang diễn biến phức tạp. Cụ thể, tình hình sạt lở tại cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) đang rất nghiêm trọng. Trước tình hình trên, tỉnh đã triển khai thi công Dự án Kè chống sạt lở cồn Ngang. Ngoài các điểm xung yếu tỉnh đang thực hiện công trình kè chống sạt lở, một vị trí còn lại tại cồn Ngang vẫn đang diễn ra sạt lở rất nhiều. Cụ thể, tại khu vực này còn khoảng 3 km xảy ra sạt lở nghiêm trọng, cần được đầu tư xử lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Phan Văn Bắc, hiện trên địa bàn huyện còn 1 điểm sạt lở cần xử lý khẩn cấp. Đó là khu vực tại khe Luông Sâu (ấp cồn Cống, xã Phú Tân). Khu vực sạt lở nghiêm trọng kéo dài khoảng 900 m. Do đó, địa phương đang kiến nghị tỉnh đề xuất Trung ương đầu tư xử lý sạt lở khẩn cấp tại khu vực này để bảo vệ đời sống của khoảng 60 hộ dân và 400 ha đất sản xuất của người dân nơi đây.

Tính từ năm 2015 đến năm 2022, vàm Kỳ Hôn đã sạt lở ước tính 0,3 ha. Đoạn đường giao thông nông thôn đã được dời nhiều lần vào sâu bên trong đất liền, chiều sâu sạt lở hơn 7 m. Ước tính, mỗi năm đường bờ bị lấn sâu do sạt lở khoảng hơn 1 m/năm.

Ông Đào Công Ánh (ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông) cho biết, gia đình ông có 3.500 m2 đất vườn dọc theo đê bao vàm Kỳ Hôn. Mỗi năm, đất của ông bị sạt lở từ 20 - 25 m2. Mặc dù, ông cùng mọi người trong gia đình dùng mọi cách để gia cố nhưng sạt lở vẫn diễn ra. Hiện diện tích đất gia đình ông chỉ còn chưa đến 3.200 m2. “Do sạt lở ngày càng phức tạp, nên đường nhựa trước nhà có nguy cơ sạt lở xuống kinh. Người dân mong muốn Nhà nước đầu tư kè để chống sạt lở”.

Trước tình trạng sạt lở rất nghiệm trọng, đặc biệt là vào những tháng triều cường cao, chính quyền xã Xuân Đông và người dân đã nỗ lực rất nhiều trong ứng phó với sạt lở như: Trồng cây chắn sóng, gia cố đê bao…, nhưng cũng không hiệu quả. Thậm chí, các công trình chống sạt lở tạm thời gian qua không đủ sức để chống chọi sạt lở nên đã nhiều lần trôi xuống kinh.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Hữu Hạnh cho biết, nhiều năm qua, tình hình sạt lở tại tuyến đê Vàm Kỳ Hôn gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của người dân. Chính quyền xã không có khả năng để nâng cấp các đoạn đê này. Do đó, xã mong rằng, cấp trên quan tâm đến chống sạt lở trên tuyến đê Vàm Kỳ Hôn nhằm tạo điều kiện cho người dân ổn định đời sống.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.