Thứ Ba, 18/04/2023, 14:54 (GMT+7)
.

Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu

(ABO) Ngày 18-4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu năm 2023. 

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo Sở Công thương và sở, ngành liên quan của các địa phương cùng tham dự. Tại điểm cầu Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng chủ trì hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, quý I-2023, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước chỉ tăng 3,32%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Nhiều địa phương được xem là đầu tàu kinh tế của đất nước nhưng có mức tăng trưởng cũng rất thấp. Do đó, hội nghị nhằm nắm bắt khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của các địa phương, chỉ rõ nguyên nhân hạn chế đang gặp phải và bàn các giải pháp tháo gỡ để lấy lại mục tiêu tăng trưởng thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành Công thương đề ra.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo báo cáo Cục Công thương địa phương, quý I-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, trong quý I-2023 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh hiệu quả của chính sách mở cửa từ ngày 15-3-2022 sau đại dịch Covid-19, cũng như việc thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua.

Về xuất nhập khẩu, tính chung quý I-2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%). Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I-2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Nguyên nhân suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu là do cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong, như: Giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao; lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm... Sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu. Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất; sức ép lạm phát, lãi suất cao. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng…

Cục Công thương địa phương đã dự báo tình hình một số khu vực kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo; một số nền kinh tế đang nổi tại châu Á như Ấn Độ, Asean tăng trưởng khả quan. Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp dù có giảm nhưng xu hướng tăng dần qua các tháng; nhập khẩu nguyên phụ liệu có dấu hiệu tăng… là những yếu tố dự báo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ khả quan hơn.

Các đại biểu tại các điểm cầu tham dự hội nghị
Các điểm cầu tham dự hội nghị

Trước tình hình đó, ngành Công thương đang nỗ lực triển khai các hoạt động nhằm đạt kế hoạch dự kiến năm 2023: Chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành Công nghiệp cả năm phấn đấu tăng khoảng 8% - 9% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến tăng khoảng 8% - 9%; tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo những khó khăn trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại tại địa phương, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với Bộ Công thương, chủ yếu như: Nguồn vốn cho vay sản xuất, kinh doanh vẫn khó tiếp cận, thị trường đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp, số doanh nghiệp giải thể tăng; các dự án điện gặp khó khăn. Đồng thời, các địa phương kiến nghị Bộ Công thương xem xét tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thông tin thị trường hàng hóa xuất khẩu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chỉ số hàng tồn kho. Bộ xem xét kiến nghị vấn đề vốn sản xuất và lãi suất ngân hàng, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Trước kiến nghị của các địa phương, đại diện Bộ Công thương cũng đã đưa ra những giải pháp như: Tiếp tục tổ chức kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi, phát triển sản xuất. Bộ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo khả thi, phù hợp với các FTA đã ký kết. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa, các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước để kết nối giữa sản xuất với thị trường, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa trong nước; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu.

Đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước thông qua kết nối giữa các cơ quan của Bộ Công thương, hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

L.OANH

 

 

 

.
.
.